Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ trồng dổi xen trong các vườn cây

15:41, 11/02/2019
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã trồng xen cây dổi – một loại cây lâm nghiệp mà bà con ví là “cây vàng đen” – trong các vườn cây. Những mô hình trồng xen này bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. 
 
Gia đình chị Hoàng Thị Hà tại thôn Cao Thắng, xã Ea Kao đã trồng cây dổi xen trong 0,6 ha cà phê hơn 2 năm tuổi. Đến nay, cây dổi đã xanh tốt sum suê, cao chừng 2,5 m và đang thời kỳ cho hoa mùa đầu tiên. Chị Hà phấn khởi cho biết: chừng tháng 11-2019 chị sẽ thu hoạch 100 cây dổi (thu bói); dự kiến năm 2020 chỉ cần thu hoạch bình quân 5 kg hạt dổi/cây (tương đương 500 kg cho 100 cây), với giá khoảng 1 triệu đồng/kg hạt khô (đầu ra hạt dổi đã có hợp đồng bao tiêu) chị sẽ thu được 500 triệu đồng, chưa kể giá trị thu hoạch từ cà phê. Chị Hà cũng vừa thu hoạch được 150 kg hạt dổi khô trên 30 cây dổi trồng xen trong 0,2 ha quýt (trồng năm 2015), mang lại thu nhập 150 triệu đồng cùng với 50 triệu đồng thu nhập từ cây quýt (cây trồng chính), đưa tổng thu nhập của vườn lên 200 triệu đồng. Đây là khoản thu lớn hơn rất nhiều so với sản xuất các cây trồng khác trên cùng diện tích. 
 
Ngoài gia đình chị Hà, tại thôn Cao Thắng còn có hộ bà Tống Thị Đào trồng 22 cây dổi xen cam quýt trên diện tích 0,2 ha vào năm 2015, vừa qua thu được 200 kg hạt dổi khô, bán được 200 triệu đồng. Hộ chị Dương Thị Kim Thoa tại thôn 4, xã Ea Kao trồng thử 5 cây dổi dọc bờ vườn từ năm 2015, đến cuối 2018 chị thu hoạch 3 cây dổi (2 cây còn lại do trồng dưới tán tre nên không phát triển) và bán sản phẩm được hơn 20 triệu đồng. Thấy hiệu quả từ loại cây trồng này, vừa qua chị Thoa tiếp tục trồng thêm 30 cây nữa trên những khu đất còn lại và số cây này hiện đã ra hoa rất nhiều.
 
Vườn dổi trồng xen cà phê của gia đình chị Hoàng Thị Hà.
Vườn dổi trồng xen cà phê của gia đình chị Hoàng Thị Hà.

 

Theo ông Hoàng Xuân Thanh, thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (người nhân giống cây dổi cung cấp tại địa phương và các huyện lân cận) cho biết, những năm gần đây, mỗi năm ông nhân giống, xuất bán khoảng 60.000 cây dổi, tương đương hơn 500 ha, nếu trồng thuần thì tương đương hơn 210 ha; phần lớn bán ở các huyện và doanh nghiệp ngoài tỉnh. Vườn giống dổi gia đình ông Thanh đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo Quyết định số 123/QĐ-SHTT, ngày 8-1-2018. Để nông dân yên tâm về đầu ra hạt dổi, ông Thanh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trong thời gian dài (lên đến 20 năm với giá hơn 100 nghìn đồng/kg quả tươi) đối với những hộ mua giống ghép từ gia đình ông.

Hiện nay đầu ra cho sản phẩm này “cung không đủ cầu”, ông Thanh đang mua thu gom của nông dân để cung cấp cho các tập đoàn gia vị ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc. Hạt dổi chín phơi khô để trữ được lâu, ngoài chức năng chế biến gia vị, còn dùng bào chế dược liệu. Ông Thanh đang tiến hành liên kết xuất sản phẩm sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc… để bào chế dược phẩm. 
Cây dổi ghép trồng sau ba năm là cho quả, cây hầu như rất ít sâu bệnh nên chăm sóc theo hướng hữu cơ (không sử dụng hóa chất). Một năm thu hai vụ, vụ chính thu đại trà từ tháng 9 đến tháng 11 (âm lịch), vụ phụ từ tháng 3 đến tháng 4. 
 
Tuy nhiên, qua tìm hiểu và đánh giá sơ bộ về tình hình phát triển cây dổi hiện nay tại TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, hầu hết người dân vẫn đang trồng tự phát nên nhiều vườn dổi trồng quá dày (mật độ 6m  x  6m, tương đương khoảng hơn 270 cây/ha); sau ba năm vườn cây giao tán thì những cây trồng chính khó quang hợp để sinh trưởng phát triển. Vì vậy, để loại cây trồng này phát triển ổn định hơn, góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên đơn vị diện tích, rất cần sự vào cuộc, phối hợp liên kết giữa các cơ quan chức năng, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp để nghiên cứu, đánh giá, phân tích và định hướng chiến lược phát triển nhân rộng cây dổi tại Tây Nguyên nói chung và TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, góp phần vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.
 
Cẩm Lai
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.