Multimedia Đọc Báo in

HUYỆN KRÔNG BÚK: Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

08:44, 05/02/2019

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Krông Búk đang thay đổi từng ngày, đời sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực.

Bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn chồng chất, đến nay huyện Krông Búk đã đạt và cơ bản đạt 112/133 tiêu chí xây dựng NTM, có 2/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với một huyện còn nhiều khó khăn thì kết quả trên là cả một sự phấn đấu không mệt mỏi của người dân và chính quyền địa phương nơi đây.

Ông Vũ Văn Mỹ, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, nếu như ngày đầu, người dân còn e dè, chưa mặn mà với các hoạt động chung của địa phương hoặc chưa tự nguyện góp công, góp sức xây dựng xóm làng thì nay nhiều người đã tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Có được điều đó là bởi, ngay từ đầu công tác tuyên truyền đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm làm sao để người dân thấy được ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của chương trình này. Khi mỗi người dân đã ý thức được mình là một chủ thể để xây dựng NTM thì sẽ tạo được sự đồng thuận trong dân để phát huy sức mạnh nội lực.

Đường vào thôn Kty 4, xã Chư Kbô được bê tông hóa có sự đóng góp kinh phí của người dân.
Đường vào thôn Kty 4, xã Chư Kbô được bê tông hóa có sự đóng góp kinh phí của người dân.

Nhờ đó, trong thời buổi “tấc đất tấc vàng”, nhiều hộ dân ở đây đã tình nguyện hiến hàng chục mét vuông đất, dành nhiều ngày công, góp tiền của để mở rộng, bê tông hóa đường làng ngõ xóm. Thậm chí, nhiều người sẵn sàng đập phá tường rào khang trang để nhường đất mở cho con đường rộng hơn. Riêng giai đọan 2016-2018, toàn huyện đã huy động trong nhân dân đóng góp ngày công, tiền của lên đến 24 tỷ đồng và hiến trên 5.000 m2 đất để làm bê tông hóa và nhựa hóa đường giao thông nông thôn..

Về huyện Krông Búk bây giờ, nhiều tuyến đường xã, liên thôn đã được trải nhựa phẳng lì hoặc đường bê tông thay cho những cung đường nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy; điện đường nội thôn đã chiếu sáng về tận các ngõ ngách, đẩy thương mại - dịch vụ phát triển… Bộ mặt nông thôn đã khang trang hơn, tươm tất hơn, đời sống của người dân được nâng lên, khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn lại. Trong tiến trình xây dựng NTM, điều làm nức lòng nhiều người dân nơi đây nhất có lẽ là mọi người đã được đi trên con đường thảm bê tông phẳng lì, sạch sẽ thay cho những chặng đường lầy lội, bụi mù trời như trước kia; nhiều nhà đã thoát được cảnh nghèo, sắm được ti vi, xe máy. Nhiều người bảo, đó là công trình “Ý Đảng lòng dân”.

Tiêu biểu cho phong trào xây dựng NTM là xã Chư Kbô. Trước đây, hầu hết các tuyến đường ở xã Chư Kbô đều lầy lội, nhỏ hẹp. Để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân thì nhất định phải tu sửa, làm mới và đặc biệt mở rộng thêm các tuyến đường. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, công cuộc xây dựng NTM ở xã được  bà con đồng tình hưởng ứng. Nhiều người dân trong xã còn tự nguyện hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng đường sá như hộ ông Nguyễn Văn  Hải (thôn Kty 4), Nguyễn Hữu Nghiêm (xóm 1)…  Ngoài ra, bà con trong xã còn đóng góp xây hội trường thôn, làm nhà văn hóa để có địa điểm sinh hoạt chung. Ở đây, những công trình mà có sự đóng góp bà con như thế không hiếm. Chỉ tính riêng 2 năm 2017 và 2018, xã Chư Kbô đã huy động người dân đóng góp tiền và hiến đất trên 11 tỷ đồng để xây dựng NTM. Có lẽ đó là một trong những lý do đưa xã Chư Kbô về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018. 

Song song với đầu tư cho giao thông nông thôn thì việc tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân cũng được quan tâm đúng mức. Là một  huyện thuần nông, việc làm thế nào để cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho bà con là điều luôn được chính quyền nơi đây trăn  trở. Từ suy nghĩ đó, các cấp, ngành của huyện đã tìm cách phát triển, đa dạng hóa các hình thức sản xuất và liên kết sản xuất, vận động bà con phát triển các ngành nghề, dịch vụ, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn các mô hình sản xuất mới cho bà con phát triển kinh tế gia đình; khuyến khích bà con phát triển các mô hình kinh tế mới, chăn nuôi trang trại, gia trại… mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2018 đạt 32 triệu đồng (tăng 8 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn 11,38%.

Có thể nói, nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM đến nay, nhiều xã của huyện Krông Búk đang từng ngày đổi mới và phát triển. Điều này cũng cho thấy, nhờ biết phát huy sức dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã khơi dậy sức mạnh tổng hợp, tạo thành khối đoàn kết một lòng để làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực phát triển cho địa phương.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.