Khởi nghiệp từ nghề truyền thống
Bảo tồn văn hóa và nghề cha ông
Chúng tôi có dịp gặp gỡ nhóm dệt thổ cẩm của buôn Ea M'dhar (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) khi các chị đang tất bật se chỉ, dệt vải. Qua đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm thổ cẩm với họa tiết tinh tế và màu sắc quyến rũ đang dần hoàn thiện.
Nhóm dệt thổ cẩm truyền thống của buôn Ea M'dhar. |
Theo chị H’Đông Byă, nhóm trưởng nhóm dệt thì đối với người Êđê, những sản phẩm dệt thổ cẩm là vật dụng thiết thực với mỗi người trong suốt cuộc đời. Sản phẩm làm ra chủ yếu là trang phục truyền thống nên chỉ sử dụng trong các lễ hội, ngày vui của buôn làng. Sản phẩm dệt thủ công của chị em trong buôn tuy đẹp, nhưng lại rất khó tiêu thụ vì giá thành khá cao, lại bị sản phẩm công nghiệp lấn át. Hiện nay, ở các gia đình người Êđê trong buôn hầu như không còn thấy những khung cửi dệt vải, do đó các chị đã lên ý tưởng thành lập nhóm dệt thổ cẩm nhằm gây dựng và khôi phục lại nghề dệt của dân tộc mình. Đầu năm 2018, nhóm dệt thổ cẩm buôn Ea M'dhar được thành lập với 4 chị và được Hội LHPN xã hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn khởi nghiệp để mua khung cửi, nguyên liệu. Từ khi thành lập, các thành viên đã nghiên cứu, tìm tòi mẫu mã mới tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, đa dạng hơn. Ngoài những sản phẩm truyền thống như quần áo, váy, chăn… các chị còn dệt thêm rèm cửa, gối, khăn trải bàn, đai lưng hay dải họa tiết để may áo dài.
Phát triển nghề truyền thống để giải quyết việc làm cho chị em tại các địa phương, đồng thời giữ gìn được nét đẹp văn hóa đặc sắc của cha ông truyền lại là một trong những định hướng của Hội Phụ nữ các cấp nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Bà Trần Thị Phong, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
|
Chị H’Điệp Byă, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Nuôl cho biết: “Để nghề dệt thổ cẩm có thể phát triển bền vững, Hội LHPN xã đang tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với đoàn thể địa phương tuyên truyền đến người dân việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong các hoạt động lễ hội, Tết qua đó giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đến với du khách”.
Giữ chất men say rượu cần
Hơn 10 năm qua, Chi hội phụ nữ buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã từng bước tạo nên “thương hiệu” đặc biệt cho sản phẩm rượu cần. Tuy không quảng cáo rộng rãi nhưng nhờ hương vị thơm ngon, giá cả phải chăng nên rượu làm ra được nhiều khách hàng tìm đến mua. Chính từ nghề truyền thống này mà nhiều gia đình trong buôn có thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con cái học hành. Đó cũng chính là động lực giúp các thành viên tin tưởng hơn để giữ gìn và phát triển nghề.
Năm 2007, Chi hội phụ nữ buôn xây dựng mô hình sản xuất rượu cần của người Êđê với 9 thành viên tham gia. Ngoài việc hỗ trợ vốn thông qua kênh Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi hội còn thành lập quỹ tiết kiệm cho các thành viên vay mua sắm nguyên liệu cần thiết phục vụ cho việc sản xuất.
Chị H’Loen H’đơk ủ rượu cần dịp Tết. |
Chị H’Loen H’đơk kể, từ khi tham gia mô hình, thông qua Chi hội phụ nữ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mới có cơ hội để phát triển nghề nấu rượu cũng như đầu tư chăn nuôi. Cũng nhờ số vốn khởi nghiệp ban đầu mà gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo vào năm 2014. “Trong các bước làm rượu cần, phơi ché là rất quan trọng, vì nó tạo ra rượu cần ngọt và không bị chua. Trung bình mỗi năm, gia đình ủ và bán gần 100 ché rượu cần các loại, chỉ tính riêng dịp Tết năm nay, tôi đã được đặt hàng hơn 30 ché với mức giá từ 150.000-900.000 đồng/ché”, chị H’Loen cho hay.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc