Tạo bước đệm cho phụ nữ phát triển kinh tế
Xã Cư Prao (huyện M’Đrắk) hiện có 1.050 phụ nữ, trong đó có 662 hội viên sinh hoạt tại 15 chi hội thôn, buôn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư Prao đã triển khai nhiều hình thức để hỗ trợ phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Prao Nguyễn Thị Tình cho biết, tính riêng trong năm 2018, Hội LHPN xã đã chỉ đạo 15/15 chi hội thôn, buôn xây dựng và duy trì các mô hình "Hũ gạo tiết kiệm"; "Nuôi heo đất" với số gạo 662 kg và trên 60 triệu đồng giúp cho 30 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay. Ngoài ra, Hội LHPN xã đã xây dựng được 9 tổ tín dụng tiết kiệm, tổ hùn vốn, Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thu hút trên 900 lượt hội viên tham gia, với số tiền huy động gần 100 triệu đồng giúp cho 40 lượt hộ nghèo vay vốn. Hội LHPN xã cũng đã phát huy tốt nguồn vốn ủy thác, qua đó hỗ trợ 705 hội viên vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng NN-PTNT huyện với tổng dư nợ trên 22,4 tỷ đồng...
Chị Trịnh Thị Hoa (Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Cư Prao) chăm sóc vườn cam của gia đình. |
Theo đó, Hội LHPN xã đã giúp 41 gia đình hội viên vươn lên thoát nghèo; trong đó có 9 gia đình do hội viên phụ nữ làm chủ hộ và 8 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững. Nhiều hội viên đã trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế. Đơn cử như Trịnh Thị Hoa (Chi hội phụ nữ thôn 3), sau nhiều thất bại trong việc trồng mía, gia đình chị quyết định chuyển đổi 2 ha đất trồng mía sang trồng xen canh cây ăn quả, với 600 cây bưởi da xanh, 2.000 cây cam xoàn, 1.000 cây quýt đường kết hợp đào ao thả cá và chăn nuôi heo rừng. Tháng 9-2018, sau khi tham khảo, nắm bắt các nhu cầu của thị trường, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, gia đình chị Hoa đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thành lập Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức do anh Nguyễn Văn Đức (chồng chị Hoa) làm Chủ nhiệm với nguồn vốn trên 1 tỷ đồng, có 10 thành viên tham gia. Hiện tại vườn cây ăn trái của gia đình chị Hoa đã cho thu bói năm đầu tiên. Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Minh Đức cũng dần đi vào hoạt động ổn định.
Hay chị Nguyễn Thị Miền (thôn 1) cũng ăn nên làm ra nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hơn 10 năm trước, việc canh tác hoa màu của gia đình chị Miền và bà con nông dân địa phương gặp nhiều khó khăn. Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1, chị Miền được tham quan học tập nhiều nơi và đã quyết định chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp. Hiện tại gia đình chị có 7 ha điều (trong đó có 2 ha đã cho kinh doanh được 6 năm, 3 ha cho thu bói) và 10 ha trồng màu hai vụ (vụ đông xuân trồng ngô lai, vụ hè thu trồng mè và đậu xanh). Từ các nguồn thu, mỗi năm gia đình chị Miền thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Hiện tại gia đình chị đang đầu tư nguồn lực xây dựng hệ thống nhà nuôi chim yến. Chị Miền chia sẻ, nuôi chim yến là một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ ở địa phương nên gia đình chị cũng gặp không ít khó khăn. Gia đình chị đang dồn sức đầu tư cho ý tưởng làm ăn mới với kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao. Dự tính cuối năm 2019, mô hình nuôi chim yến của gia đình chị Miền sẽ đi vào hoạt động.
Có thể nói, nhờ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức đa dạng, nhiều hội viên phụ nữ xã Cư Prao đã có việc làm, có vốn sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc