Vươn lên từ nghề trồng nấm
15:46, 11/02/2019
Sau những thất bại liên tiếp khi khởi nghiệp với nhiều loại cây trồng, cơ duyên với nghề trồng nấm của anh Nguyễn Pho (thôn Giang Hưng, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) đã đến sau một lần vận chuyển vật tư đến các nhà nấm ở tỉnh Quảng Trị và phát hiện ra nhiều lợi ích của nấm.
Đầu năm 2017, anh tìm đến bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) để học nghề. Suốt 2 tháng ròng, anh và vợ vượt hơn 200 km mỗi ngày đi về trên quãng đường từ xã Tam Giang đến thị trấn Buôn Trấp. Đáp lại sự nhiệt tình và ham học hỏi của vợ chồng anh Pho, bà Danh đã chỉ bảo tận tình, tạo điều kiện cho anh được thực hành tất cả các khâu trong quy trình làm nấm. Từ khâu dựng trại, khử trùng, ủ mùn cưa, đóng bịch, cấy phôi... đến cách thức thu hoạch, bảo quản đều được anh Pho học tập một cách nghiêm túc, say mê nhất. Vừa rèn luyện tay nghề, anh vừa tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân.
Khi đã có nền tảng kiến thức vững vàng, vợ chồng anh dồn vốn mở trại nấm ngay tại vườn nhà, tập trung vào 2 giống chính là nấm linh chi đỏ và bào ngư xám. Nhờ hợp khí hậu và quy trình chăm sóc kỹ lưỡng, toàn bộ diện tích nấm đều cho năng suất vượt trội. Anh Pho cho biết, nếu ở những nơi khác, mỗi bịch nấm linh chi chỉ có thể cho thu hoạch 2 tai nấm trong một chu kỳ thì ở trại nấm của anh lên đến 3, 4 tai. Với diện tích nhà nấm linh chi 40 m2, anh trồng 2 vụ/năm, thu được khoảng 1 tạ nấm thành phẩm/vụ. Còn đối với nấm bào ngư xám, anh duy trì ổn định 1.000 bịch trên diện tích 150 m2, cung cấp sản phẩm đều đặn cho các chợ tại huyện Krông Năng và địa bàn lân cận, sản lượng thu hoạch bình quân lên đến 150 kg/ngày.
Anh Nguyễn Pho kiểm tra phôi nấm bào ngư xám. |
Với tâm huyết của người làm sản phẩm sạch, anh luôn tuân thủ nguyên tắc thu hoạch nấm đúng tuổi để bảo đảm hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất có lợi cho sức khỏe ở mức cao nhất. Theo anh Pho, nếu kéo dài thời gian chăm sóc để ép tai nấm lớn hơn, nặng hơn sẽ làm giảm chất lượng nấm rất nhiều. Đặc biệt, đối với nấm linh chi, càng chậm thu hoạch, lớp bào tử càng rụng dần đi khiến cây nấm không còn bảo đảm dược tính vốn có khi đến tay người tiêu dùng.
Thời gian đầu, sản lượng nấm làm ra được anh biếu tặng bạn bè, người thân để mời dùng thử và giới thiệu những ưu điểm vượt trội của cây nấm đối với sức khỏe. Khi số lượng người tin tưởng và đặt mua ngày một nhiều lên, anh bắt tay xây dựng thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm. Anh khôi phục nghề nấu rượu truyền thống, sử dụng loại nếp ngon trồng trên đất Tam Giang làm nguyên liệu sản xuất. Rượu được chưng cất thủ công rồi đem ủ trong các chum sành để khử andehit, sau đó mới đem ngâm với các loại nấm dược liệu. Tất cả các sản phẩm rượu, nấm đều được anh gửi mẫu kiểm định chất lượng và đăng ký ngành nghề kinh doanh theo đúng quy định.
Trong năm đầu tiên xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ, anh Pho đã thu được lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Ngoài kênh phân phối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, anh còn mở rộng ra nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam, liên kết với một công ty dược phẩm và có một cửa hàng chuyên phân phối, giới thiệu sản phẩm Nấm của cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ tiêu thụ sản phẩm do cơ sở của mình sản xuất, anh còn hỗ trợ HTX Nấm linh chi và Dịch vụ nông nghiệp Krông Ana tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, với lượng thu mua bình quân khoảng 3 tạ nấm bào ngư xám/tháng và hơn 2 tạ nấm linh chi khô/năm.
Bảo Bình
Ý kiến bạn đọc