Giải pháp nào để phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
Đắk Lắk là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp nên việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất là hướng đi tất yếu nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển, Đắk Lắk cần có lộ trình và giải pháp đồng bộ.
Ứng dụng công nghệ chưa đồng bộ
Theo Sở NN-PTNT, việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phát triển mạnh nhưng vẫn mang tính tự phát và không đồng bộ, chủ yếu dựa trên các chương trình, dự án quy hoạch, đề án phát triển về lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, mức độ ứng dụng công nghệ đồng bộ (đủ các tiêu chí như: giống mới, có ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn, tạo; có nguồn gốc rõ ràng, có hệ thống tưới tiết kiệm nước; cơ giới hóa các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến; bón phân, thuốc phải nằm trong danh mục cho phép, có thể bón tự động qua hệ thống tưới...) cho các cây trồng gồm cây cà phê, cây hồ tiêu, cây ăn quả (bơ, sầu riêng) mới chỉ dừng lại ở phạm vi mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngay cả cây cà phê, là cây trồng chủ lực của Đắk Lắk, nhiều nơi được trồng thành vùng tập trung nhưng việc ứng dụng CNC cho cây cà phê chỉ dừng lại ở mức độ là áp dụng CNC một phần như trồng cà phê theo hướng bền vững hoặc áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm…
Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho vườn cây ăn trái của hộ nông dân xã Ea Sar (huyện Ea Kar) |
Ngoài ra, một số cây trồng có tiềm năng như lúa, nấm tươi và nấm dược liệu, rau VietGAP; các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, chuối cấy mô…. cũng đang hình thành vùng sản xuất tập trung, có ứng dụng một phần công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên chỉ ở mức độ mô hình có quy mô sản xuất lớn, vẫn chưa đủ để đạt tiêu chuẩn vùng nông nghiệp ứng dụng CNC. Ngành chăn nuôi cũng nằm trong tình trạng tương tự, tuy các vật nuôi chủ lực như heo, bò, gà đã hình thành các trại chăn nuôi tập trung, có ứng dụng khoa học công nghệ để tăng hiệu quả kinh tế nhưng chưa thể gọi là vùng chăn nuôi CNC.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn là do việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành của tỉnh trong việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đồng thời, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa việc nghiên cứu - ứng dụng - nhân rộng sản xuất - kinh doanh, giữa Nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân. Thêm vào đó, tỉnh vẫn chưa xây dựng được các vùng sản xuất theo chuỗi, chủ yếu vẫn sản xuất phân tán; các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch chưa nhiều, quy mô nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm mang tính cạnh tranh cao; công tác tuyên truyền phổ biến và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng.
Kỳ vọng vào đề án mới
Theo mục tiêu của Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của Đắk Lắk, đến năm 2020 và những năm tiếp theo, tỉnh hoàn thành xây
Theo kế hoạch của Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Đắk Lắk, tổng diện tích các cây trồng chủ lực ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 93.100 ha (cà phê 45.000 ha; hồ tiêu 2.200 ha; ngô 30.000 ha; sản xuất rau 1.600 ha; cây ăn quả 3.500 ha; lúa 10.800 ha). Đối với ngành chăn nuôi, chọn các vật nuôi chủ lực để ứng dụng sản xuất CNC, quy mô đàn gồm: 450.000 con heo; 75.000 con bò; 1,6 triệu con gà. Ngành thủy sản tiếp tục phát triển, nuôi các đối tượng cá truyền thống, cá rô phi, cá nước lạnh và các đối tượng thủy sản khác theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm… |
dựng kết cấu hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng CNC, tiếp tục phát triển thêm một số khu CNC trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng CNC trong nông nghiệp; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chiếm ít nhất 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC giữa các vùng và khu nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh với các khu/vùng nông nghiệp ứng dụng CNC ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đề án cũng đã chọn được 4 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, gồm: xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) 105,5 ha; huyện Krông Búk hơn 252 ha; TP. Buôn Ma Thuột có 2 khu là xã Ea Tu, trên 25 ha và Hòa Xuân, trên 300 ha. Trong đó, hai khu nông nghiệp ứng dụng CNC là Ea Kpam và Ea Tu sẽ là hạt nhân trong mối liên kết vùng nông nghiệp ứng dụng CNC trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng. Các vùng còn lại sẽ tập trung đầu tư hạ tầng và phòng nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất; kêu gọi thu hút đầu tư…
Để đạt được mục tiêu này, hiện nay các địa phương đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực. Đơn cử như huyện Cư M’gar, Dự án xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại xã Ea Kpam đã lựa chọn được nhà đầu tư, với tổng vốn trên 705 tỷ đồng. Dự án được đầu tư sản xuất các sản phẩm như hoa, rau quả, cây dược liệu… bằng CNC và các dịch vụ khác, với kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm của tỉnh về nông nghiệp ứng dụng CNC.
Ứng dụng máy bay phun thuốc không người lái của các hộ nông dân ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) |
Hay ở TP. Buôn Ma Thuột, trung bình mỗi năm thành phố đầu tư, hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, chuyển giao, thực hiện các mô hình về ứng dụng khoa học công nghệ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như rau sạch, cà phê, heo, gà để gia tăng giá trị đầu ra. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 200 trang trại, mô hình đã áp dụng CNC vào sản xuất, chăn nuôi…
Theo Sở NN-PTNT, “nút thắt” hiện cần tháo gỡ nhất trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là tỉnh phải thu hút được các doanh nghiệp CNC đầu tư vào các địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang ứng dụng CNC mở rộng sản xuất. Để làm được điều này, vấn đề đầu tiên là cần điều chỉnh chính sách hỗ trợ về đất đai, tạo được mặt bằng “sạch” trước khi các nhà đầu tư vào.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc