Multimedia Đọc Báo in

Gian nan con đường thoát nghèo bền vững ở Cư Đrăm

09:59, 18/03/2019
Xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông) có 1.818 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78% (1.322 hộ). Trong 2 năm gần đây, dù tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm từ 2 - 4%, nhưng hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 41% (819 hộ). Trong đó, một số thôn, buôn như: Nao Huk, Yang Hăn, Tơ Rang A, Tơ Rang B..., số hộ cận nghèo rớt xuống hộ nghèo khá cao.
 
Ông Y Riếu Êban, Trưởng buôn Tơ Rang A cho biết, buôn có 107 hộ (với 441 nhân khẩu), trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%. Nếu như năm 2017, buôn chỉ có 58 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo thì đến nay đã tăng lên 78 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo. Sở dĩ có đến 9 hộ rớt từ cận nghèo xuống hộ nghèo vì nhiều nguyên nhân: toàn buôn có hơn 50 ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có 36 ha đất sản xuất 2 vụ/năm (bình quân có khoảng 400 m 2/người); còn lại là đất đồi bạc màu, chủ yếu chỉ trồng được ngô, sắn. Do ảnh hưởng bão lũ, hạn hán dẫn đến thường xuyên mất mùa nên bà con không mặn mà với việc trồng trọt tại địa phương mà đi làm thuê ở nơi khác với tiền công trung bình từ 180.000 - 220.000 đồng/ngày. 
 
Anh Trương Đức Huấn ở buôn Tơ Rang A (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho tằm ăn.
Anh Trương Đức Huấn ở buôn Tơ Rang A (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho tằm ăn.
Thôn Yang Hăn có 93 hộ (chủ yếu là dân tộc Hmông) nhưng có đến 44 hộ nghèo. Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Văn Pao, cho dù không có thiên tai, hạn hán thì Yang Hăn vẫn là một thôn nghèo bởi nhiều nguyên nhân như: nhiều gia đình đẻ đông con, thiếu đất sản xuất, thiếu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp... 
 
Tận dụng thế mạnh có nhiều diện tích đất thấp, người dân xã Cư Đrăm đã mạnh dạn tìm kiếm các mô hình phát triển kinh tế với hy vọng thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (thôn Yang Hăn) đã sang thị trấn Nam Pan (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) học hỏi cách trồng dâu nuôi tằm. Tháng 8-2018, gia đình chị Thúy đầu tư 50 triệu đồng để làm 3 giàn, khay nuôi và né nhả tơ tằm. Hiện nay, giá kén tằm trên thị trường đang ở mức 120.000 đồng/kg, nên mỗi tháng, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình chị Thúy có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. "Một vụ nuôi tằm chỉ kéo dài hơn 1 tháng, kể từ khi thả sâu đến lúc thu hoạch kén mất 18 ngày, sau đó khử trùng vệ sinh giàn, khay nuôi hơn 10 ngày nữa là có thể tiếp tục vụ mới. Qua 4 vụ nuôi và thu hoạch, theo nhận xét của các thương lái ở huyện Lâm Hà, chất lượng kén tằm được nuôi tại thôn Yang Hăn hơn hẳn so với kén tằm nuôi ở nơi khác", chị Thúy hồ hởi nói.
 
“Thu nhập của người dân trong buôn khá thấp, khoảng 10 triệu đồng/người/năm, chỉ cần một biến cố nhỏ thì nguy cơ tái nghèo ập đến. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên khi có được nguồn vốn nhỏ thì chưa chuyên tâm đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất” - Trưởng buôn Tơ Rang A (xã Cư Đrăm) Y Riếu Êban.
 
 
 

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền xã Cư Đrăm đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như: tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhu cầu của từng hộ dân trong thôn, buôn để có định hướng phát triển kinh tế, giảm nghèo phù hợp. Nhưng bài toán này khá gian nan. Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm Nguyễn Văn Trung cho biết, sau cơn bão số 12 (tháng 11-2017) nhiều người dân trong xã mất nhà, mất của bước đầu đã ổn định cuộc sống, nhưng về sản xuất vẫn còn khó khăn cần tháo gỡ. Đến vụ thu hoạch cuối năm 2018 lại gặp thời tiết thất thường nên trong 2 năm liên tiếp bà con nông dân nơi đây không thu hoạch được gì. UBND xã đã đề xuất và cũng đang mong sớm nhận được sự quan tâm  hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão về phát triển sản xuất cho người dân.

Bên cạnh một số cây trồng như hồ tiêu, cà phê giảm diện tích..., thì diện tích cây dứa, cây dâu tằm của xã Cư Đrăm lại tăng đáng kể. Toàn xã có hơn 200 ha dứa trong tổng số 4.500 ha đất canh tác, riêng mô hình trồng dâu nuôi tằm cũng bắt đầu "bén duyên" ở các thôn, buôn như: Tơ Rang A, Yang Hăn, Nao Hưk... UBND xã đã tổ chức cho cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế tìm hiểu kỹ việc trồng dâu nuôi tằm để có thể nhanh chóng mở rộng mô hình giúp bà con có thêm thu nhập bởi đất ở đây phù hợp với cây dâu, nhân công lao động nhiều. "Vấn đề quan ngại nhất khi mở rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm là chưa tìm được đầu ra ổn định cho kén tằm. Chính quyền xã rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, có thể tạo một mối liên kết đầu ra ổn định để cho bà con nông dân yên tâm phát triển mô hình này. Dù vậy, UBND xã cũng cẩn trọng xem xét chất lượng kén, giá cả kén để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra khi mở rộng mô hình", ông Trung nhấn mạnh.
 
Hoàng Ân
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.