Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk đẩy mạnh tái canh cà phê

13:51, 27/03/2019

Từ năm 2011, huyện Krông Búk đã bắt đầu triển khai thực hiện chương trình tái canh cà phê nhưng do vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, lại lo sợ không có nguồn thu trong mấy năm kế tiếp nên người dân và các công ty cà phê còn khá dè dặt. Tuy nhiên 2 năm gần đây, nhận thấy được hiệu quả của việc tái canh, người dân đã mạnh dạn nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh để tái canh. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 9, xã Ea Ngai có 1 ha cà phê đã trồng từ năm 1998 nay đã già cỗi nên dù đầu tư phân bón, chăm sóc đều đặn thì mỗi năm bà chỉ thu về từ 1 - 1,5 tấn nhân. Qua tham quan thực tế những mô hình sản xuất cà phê tái canh cho năng suất cao, năm 2016 bà Hương mạnh dạn nhổ bỏ 5 sào cà phê già cỗi sang trồng mới, số còn lại gia đình tiếp tục chăm sóc để bảo đảm nguồn thu. Bà Hương cho biết, gia đình chủ yếu sử dụng giống TR4 mua tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tái canh. Đây là giống cà phê mới cho năng suất cao và chống chịu các loại sâu bệnh, được thị trường thế giới ưa chuộng. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật từ khâu xử lý đất, chọn giống, bón phân đến tạo tán, tỉa cảnh... nên sau 3 năm vườn cà phê tái canh của gia đình bà đã cho trái ổn định, năng suất đạt khoảng 2,5 tấn nhân/năm.

Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 9 (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) chăm sóc cà phê tái canh.
Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn 9 (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) chăm sóc cà phê tái canh.
 

“Việc nhổ bỏ diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp để thực hiện tái canh là hướng đi đúng đắn góp phần ổn định năng suất cà phê, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mức sống người dân”.

 
 
Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk

Cũng như bà Hương, bà Nguyễn Thị Tân ở buôn Rô, xã Cư Né cũng đã quyết định phá bỏ 1 ha cà phê già cỗi để trồng mới. Trên diện tích vừa tái canh, bà Tân tận dụng đất trống để trồng xen bắp, đậu nhằm bù đắp một phần thu nhập của gia đình. Mặc dù năm 2017, cà phê tái canh mới bắt đầu cho thu bói nhưng năng suất đã đạt 2 tấn nhân/ha. Đến niên vụ vừa qua, gia đình bà thu về hơn 4 tấn cà phê nhân. Có được thu nhập từ vườn cà phê mới, gia đình bà Tân tiếp tục tái canh thêm 1 ha cà phê già cỗi còn lại trong năm nay. Bà Tân chia sẻ: “Phá bỏ vườn cà phê già cỗi để trồng mới những năm đầu kinh tế gia đình sẽ khó khăn vì mất một khoản thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, khi vườn cà phê tái canh cho thu hoạch thì năng suất sẽ cao hơn từ 30 - 40% so với việc giữ lại vườn cây cũ”.

Theo thống kê, sau 8 năm triển khai (từ năm 2011 - 2018), toàn huyện Krông Búk đã tái canh được 1353,5 ha cà phê. Để giúp người dân tái canh, thời gian qua Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức sản xuất và hỗ trợ 50% chi phí cây giống. Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam hỗ trợ 650 kg hạt giống cho hơn 1.200 hộ dân, tương đương với 490 ha… Phần lớn diện tích tái canh đều được thay thế bằng những giống cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng với bệnh gỉ sắt như: TR4, TR6, TR9, TR11, TR12, TR13 và hạt lai đa dòng TRS1. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức hơn 40 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tái canh và ghép chồi cải tạo vườn cho khoảng 2.000 lượt người tham gia. Qua đó nhiều người dân đã được tiếp cận với quy trình sản xuất cà phê bền vững cũng như tiêu chuẩn sản xuất cà phê như: 4C, UTZ, Certified…

Vườn cà phê tái canh của bà Nguyễn Thị Tân ở buôn Rô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đang phát triển tốt.
Vườn cà phê tái canh của bà Nguyễn Thị Tân ở buôn Rô (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đang phát triển tốt.

Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, theo kế hoạch, từ năm 2019 – 2020, huyện Krông Búk sẽ thực hiện tái canh 712 ha. Phần lớn diện tích cà phê cần tái canh tập trung tại một số địa phương như: Cư Né, Ea Sin, Cư Pơng… Để tiến độ tái canh cà phê đạt kết quả cao, thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện hỗ trợ người trồng cà phê vay vốn đầu tư; xây dựng mô hình điểm về tái canh cà phê để hướng dẫn nông dân thực hiện tái canh bảo đảm tính bền vững; chuẩn bị nguồn giống đạt tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc theo quy định…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.