09:52, 18/03/2019
Thu hút đầu tư là chiến lược, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Làm thế nào tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư vào Đắk Lắk là diễn đàn được các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đặc biệt quan tâm trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020, kinh tế Đắk Lắk đi theo hướng xanh, bền vững, khai thác các lợi thế, phát triển theo chiều sâu, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên…
Kỳ 1: Tiềm năng và đầu tư: Còn những khoảng trống
Tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác những tiềm năng ấy vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Lợi thế khác biệt từ góc nhìn của các chuyên gia
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, điều được các chuyên gia thừa nhận là Đắk Lắk có nhiều lợi thế và được nhận diện ngày càng rõ. Trước hết đó là lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng phát triển nông nghiệp. Cụ thể, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên lớn thứ tư cả nước, đất đai màu mỡ, địa hình khá bằng phẳng, ít bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, có khí hậu phù hợp với sản xuất nông nghiệp đa dạng, cho phép hình thành một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu. Với lợi thế đó, tỉnh đã trở thành địa bàn trọng điểm phát triển cây cà phê, tiêu, cao su, bơ, trong đó cà phê, tiêu đã định hình thương hiệu trên thị trường quốc tế.
|
Trang trại phong điện Tây Nguyên tại xã Dliê Yang, huyện Ea H'leo - Dự án điện gió đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh. |
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp với các cây công nghiệp dài ngày tạo cho Đắk Lắk thế mạnh vượt trội trong việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Đặc biệt, chế biến thực phẩm và đồ uống gồm các chế phẩm từ cà phê, hạt điều, ca cao, tiêu, cao su, bơ có lợi thế phát triển mạnh, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Với danh mục sản phẩm chủ lực phong phú như vậy, đây là cơ hội tốt để Đắk Lắk lựa chọn được sản phẩm thế mạnh đúng đắn và thu hút được nhà đầu tư tốt nhất cho mỗi loại sản phẩm.
“Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển. Nhưng có một thực tế khác làm cho chúng ta cảm thấy không thỏa mãn, chưa yên lòng, phải tiếp tục trăn trở về tương lai, thậm chí còn ở mức độ gay gắt hơn, đó là về cách thức tạo dựng tương lai của vùng đất này” –
PGS. TS. Trần Đình Thiên.
|
Ở góc nhìn khác, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Đắk Lắk có tiềm năng, thế mạnh trong phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, theo kết quả đo gió tại các khu vực trên địa bàn tỉnh cho thấy, lưu lượng gió rất tốt, trung bình năm đạt 6m/s, có tháng lên đến 9,5m/s, trong khi đó, để phát điện trên địa hình đồi núi như Đắk Lắk thì chỉ cần gió đạt tốc độ 6m/s. Về năng lượng mặt trời, sản lượng đạt khoảng 95 GWh/năm, bức xạ mặt trời trung bình khoảng 5 kWh/m2/ngày, các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea H’leo… có bức xạ lớn hơn.
Với những thông số này, việc hình thành những cánh đồng điện gió, điện mặt trời sẽ rất khả thi, đưa tỉnh Đắk Lắk trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có nhiều ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài các lợi thế trên, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định Đắk Lắk là địa phương có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch đẳng cấp cao. Cụ thể, lợi thế phát triển nền nông nghiệp phong phú và đặc sắc là cơ sở nền tảng để địa phương phát triển một ngành du lịch hiện đại và đẳng cấp. Thêm vào đó, nơi đây còn có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc vượt trội, kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời với nền văn hóa bản sắc Tây Nguyên độc đáo mang đến cho Đắk Lắk một thế mạnh du lịch hiếm có. Ngoài ra, tỉnh còn có một lợi thế phát triển đặc biệt quan trọng là vị thế “Thủ phủ Tây Nguyên” của TP. Buôn Ma Thuột, kết nối các tỉnh vùng Tây Nguyên với khu vực Duyên hải miền Trung và các nước Lào, Campuchia.
Thiếu nhà đầu tư tầm cỡ
Khi nhìn lại tất cả những lợi thế và tiềm năng phát triển nổi bật nói trên của tỉnh Đắk Lắk, các chuyên gia kinh tế đã đặt ra câu hỏi: Tại sao thành tích phát triển của tỉnh hầu như chưa có gì nổi bật và vượt trội, kể cả so với các tỉnh khu vực Tây Nguyên? Lý giải về điều này, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, có một thực trạng phát triển hiện nay ở Đắk Lắk không thể chối bỏ đó là trong nhiều tài nguyên thiên nhiên được khai thác theo hướng “tận khai” thì những lợi thế hiếm có và riêng biệt kết tinh thành linh hồn, thành bản sắc văn hóa Tây Nguyên vẫn chưa được phát huy. Điều này dẫn tới sự phát triển "nóng", thiếu bền vững, dần đánh mất bản sắc.
|
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương ở huyện Buôn Đôn. |
Bên cạnh đó, Đắk Lắk là điểm đến của số lượng lớn dân di cư tự do, nhưng lực lượng lao động bổ sung này lại không tạo ra sức thúc đẩy phát triển của địa phương. Ngược lại, nó gây ra nhiều hệ lụy đáng lo ngại như rừng bị tàn phá, nguồn nước ngầm cạn kiệt, quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ, quỹ đất canh tác lớn bị thu hẹp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt khiến Đắk Lắk chưa thể “cất cánh” là công tác thu hút đầu tư chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đủ tầm cỡ để đưa kinh tế địa phương bứt phá đi lên.
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN & PTNT), mặc dù có lợi thế, tiềm năng về nông nghiệp nhưng việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này mới chỉ trên diện hẹp ở một số sản phẩm và rất hạn chế với số lượng dự án còn ít và quy mô đầu tư còn nhỏ. Nguyên nhân, Đắk Lắk là địa bàn cách xa các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, mạng lưới giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ đã gây cản trở cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai còn bất cập, thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư khiến các doanh nghiệp e dè khi đến địa phương tìm hiểu, thực hiện dự án. Ngoài ra, là tỉnh miền núi, cơ hội tiếp cận với các đối tác nước ngoài của địa phương cũng ít hơn so với các khu vực khác, do đó chưa tranh thủ được nhiều hỗ trợ của nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
(Còn nữa)
Lê Hương - Minh Thông
Kỳ 2: Những nỗ lực kết "duyên lành"
Ý kiến bạn đọc