Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư: Bước đột phá nào cho Đắk Lắk với vị thế trung tâm vùng Tây Nguyên? (Kỳ 2)

09:09, 19/03/2019
[links(left)]
Kỳ 2: Những nỗ lực kết “duyên lành”
 
“Tiềm năng của Đắk Lắk – cơ hội của doanh nghiệp” là thông điệp mà tỉnh nhắn gửi đến các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 mới được tổ chức vừa qua.  Để thực sự trao cơ hội cho các nhà đầu tư, tỉnh đang từng bước tạo cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư hấp dẫn và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.
 
Kiến tạo, hành động khơi dòng vốn
 
Trong định hướng đầu tư và thu hút đầu tư nhiệm kỳ 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, kinh tế Đắk Lắk đi theo hướng xanh, bền vững, khai thác các lợi thế phát triển theo chiều sâu, liên kết mở, hội nhập khu vực và quốc tế, xây dựng TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với hạ tầng đồng bộ, đảm nhiệm chức năng đầu mối về thương mại, giao thông vận tải, giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, chuyển giao khoa học công nghệ của vùng. Phát triển các ngành kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đi đầu trong các hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mức thụ hưởng của người dân về y tế, văn hóa, thể dục, thể thao.
 
Hiện thực hóa các mục tiêu này, tỉnh đang từng bước tập trung huy động vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nước ngoài và vốn đầu tư từ các tỉnh khác nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế. Để phát huy các lợi thế và điều kiện sẵn có của tỉnh nhằm thu hút được nhanh và nhiều vốn đầu tư nước ngoài và của các địa phương khác trong cả nước, tỉnh cũng đã không ngừng cải thiện môi trường thuận lợi và có chính sách ưu đãi phù hợp cũng như tăng cường cải cách hành chính, quốc tế hóa các thủ tục hải quan, thủ tục xuất nhập cảnh... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ như cung ứng vốn, vận tải, thông tin liên lạc… tạo điều kiện cho kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư phát triển; phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhanh chóng đưa Đắk Lắk trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước.
 
Du khách tham quan trang trại bơ Trịnh Mười (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).
Du khách tham quan trang trại bơ Trịnh Mười (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).
Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng; trong đó năm 2018 đã thu hút được 61 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8.300 tỉ đồng. Các lĩnh vực được nhà đầu tư có tiềm lực tài chính quan tâm như: năng lượng  tái tạo, phát triển đô thị, du lịch sinh thái.
 
Triển vọng từ những dự án
 
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm  2017, trong số  100 nghìn tỷ đồng cam kết đầu tư vào khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk chiếm trên 80% với tổng vốn khoảng 81.542 tỷ đồng. Sau 2 năm, trong số 6 dự án đã cam kết, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất tấm nổi dùng trong xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời tấm nổi tại Đắk Lắk của Công ty SOLARPARK GLOBAL đã chấm dứt hoạt động, các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo tiến độ. Cụ thể, Nhà máy điện năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk 1 (thuộc cụm 4 dự án do Công ty Cổ phần đầu tư Long Thành Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 5.900 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh bàn giao đất, đơn vị đang đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2020.
 
Khu Công nghiệp Phú Xuân, thuộc xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar có diện tích hơn 338 ha, tổng vốn đầu tư hạ tầng gần 800 tỷ đồng đã hoàn tất các thủ tục liên quan và chuẩn bị triển khai xây dựng trong năm 2019 sẽ là địa điểm hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn, trong đó tập trung vào các dự án chế biến nông sản, thực phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường, qua đó phát huy các lợi thế so sánh của địa phương. Cũng trong năm 2019, dự kiến sẽ có 5 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió được khánh thành. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã bổ sung quy hoạch cho cụm nhà máy điện mặt trời 600 MW, cùng 4 dự án điện gió, dự kiến khởi công trong năm 2019.
 
 

Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Công ty TNHH Xuân Thiện Đắk Lắk với tổng vốn cam kết gần 53.000 tỷ đồng đã được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch các dự án Nhà máy điện mặt trời thuộc giai đoạn 1, hiện doanh nghiệp đang lập hồ sơ đề xuất UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh do Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên với tổng vốn cam kết đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, đến nay, hạng mục Bảo tàng thế giới Cà phê đã đi vào hoạt động, hiện nhà đầu tư đang triển khai thi công xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật điện cấp thoát nước (giai đoạn 1), đạt 90% khối lượng.  Đối với dự án trao biên bản ghi nhớ, đến nay Dự án Tổ hợp sân golf 18 lỗ và khu biệt thự ở hồ Ea Kao (do Tập đoàn Vingroup với tổng vốn 2.000 tỷ đồng) đã được bổ sung quy hoạch chính thức và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư; Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời của Tập đoàn AES (Hoa kỳ) đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Ông Trần Duy Thăng Long, Giám đốc Phát triển dự án khu vực Tây Nguyên (Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam), một trong những doanh nghiệp đã ký hợp tác đầu tư vào tỉnh với tổng vốn cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019 cho biết, là tập đoàn đa ngành nghề phát triển các lĩnh vực như khu công nghiệp, khách sạn, thương mại, văn phòng cho thuê và khu đô thị…, khi có định hướng phát triển lên khu vực Tây Nguyên thì TNG Holdings Việt Nam đã lựa chọn Đắk Lắk làm điểm đến đầu tư. Bởi đây là địa phương giàu tiềm năng, đặc biệt định hướng phát triển của tỉnh rất phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn. Việc đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk sẽ là tiền đề để đơn vị mở rộng chiến lược phát triển toàn vùng Tây Nguyên.
 
Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2019 được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 cũng đánh dấu những bước đi thành công trong nỗ lực thu hút đầu tư với tổng vốn được cam kết đầu tư vào Đắk Lắk lên đến 71.000 tỷ đồng, trong đó 13 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư 14.330 tỷ đồng; 25 dự án được ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến 57.289 tỷ đồng, tập trung ở lĩnh vực năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, phát triển đô thị, nông nghiệp công nghệ cao… Những dự án này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho Đắk Lắk vươn lên khẳng định vị thế mới, định vị thương hiệu địa phương.
 
(Còn nữa)
 
Lê Hương – Minh Thông
---------
Kỳ cuối: Những hiến kế "vàng"
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.