Chuyện trồng rau an toàn ở vựa rau Khánh Xuân
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trồng rau trên địa bàn phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã chú trọng phát triển mô hình sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra sản phẩm đang là thách thức của người trồng rau nơi đây.
Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Với khoảng 160 ha đất gieo trồng rau các vụ mỗi năm, phường Khánh Xuân được biết đến là vựa rau lớn, cung cấp rau xanh cho thị trường TP. Buôn Ma Thuột. Phần lớn các hộ dân ở đây ít nhiều cũng có một vài mảnh đất trồng các loại rau, trước là phục vụ nhu cầu của gia đình, sau là kiếm thêm thu nhập. Nếu như trước đây việc sản xuất rau của người dân chủ yếu thực hiện theo kinh nghiệm, thói quen và phương thức thủ công, nhỏ lẻ thì đến giữa năm 2008, sau khi Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Hòa được thành lập, nhiều hộ dân bắt đầu tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn.
Khi mới thành lập, tổ hợp tác rau an toàn chỉ có hơn 20 hộ tham gia với diện tích khoảng hơn 5 ha. Sau khi tham gia vào mô hình rau an toàn, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên đã dần tạo được thương hiệu trên thị trường. Từ đó, nhiều hộ đã học hỏi, làm theo và tham gia vào tổ hợp tác. Hiện nay, toàn phường có 46 hộ trồng rau an toàn và 6 hộ trồng rau VietGAP với tổng diện tích 9 ha (thuộc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa).
Mô hình rau an toàn của gia đình anh Nguyễn Đăng Lập. |
Là một trong những hộ dân sản xuất rau an toàn và theo tiêu chuẩn VietGAP gần 10 năm nay, gia đình ông Nguyễn Đăng Lập (tổ dân phố 12) có hơn 2 sào đất trồng các loại rau. Ban đầu gia đình ông tham gia vào mô hình rau an toàn, sau đó dần dần sản xuất theo hướng VietGAP, đến hết năm 2012 dù giấy chứng nhận VietGap được cấp giai đoạn trước đó hết thời hạn, gia đình ông vẫn tiếp tục sản xuất rau theo hướng an toàn. Chính kinh nghiệm, thói quen và đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng nên hiện nay gia đình ông vẫn sản xuất rau theo hướng an toàn mà không cần giấy chứng nhận nào.
Theo anh Phạm Văn Tiến, cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân, điểm ưu việt của mô hình rau an toàn là góp phần hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón, bảo vệ môi trường sống, an toàn sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng nên hiện nay ngoài 52 hộ trồng rau an toàn và VietGAP trực thuộc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa, thì trên địa bàn phường có rất nhiều hộ khác đã và đang trồng rau theo hướng an toàn.
Vẫn còn thách thức
Dù trồng rau an toàn có nhiều ưu điểm như trên, nhưng người trồng vẫn đang rất băn khoăn việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Rau an toàn có quy trình sản xuất chặt chẽ, có nhật ký hoạt động, nhu cầu thị trường lớn, nhưng nhiều hộ dân trồng rau an toàn nói chung, ở phường Khánh Xuân nói riêng vẫn đang phải đưa ra bán ở các chợ đầu mối, chợ đêm chung với các loại rau khác. Hậu quả là rau an toàn bị đánh đồng và có giá thành chỉ bằng với nhiều sản phẩm rau khác.
Nhiều hộ dân ở tổ dân phố 12, phường Khánh Xuân trồng rau an toàn trong nhà lưới. |
Trong khi đó, theo các hộ dân việc sản xuất rau an toàn phải tuân thủ quy định về quy trình từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch, sơ chế và đóng gói; trong đó, đặc biệt chú trọng việc sử dụng phân bón hữu cơ, tuyệt đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu như không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau, chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với động vật, con người và môi trường… Chính việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc này nên trên cùng một đơn vị diện tích, sản lượng rau an toàn thường rất thấp so với rau sử dụng phân bón hóa học.
Trước đây, HTX được thành phố hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận VietGAP giai đoạn 2008 – 2012, rau an toàn của các hộ dân trong HTX còn được cung cấp cho siêu thị Co.op Mart. Sau đó, do đầu ra còn bấp bênh, giá thấp nên khi giấy chứng nhận VietGAP hết hạn đơn vị không đủ kinh phí xin tái cấp, dẫn đến mối tiêu thụ này cũng dần mất đi. Do đó, hiện nay, hầu như các hộ dân đều bán cho các thương lái đến thu mua, số khác thì nhập hàng về chợ đầu mối Tân Hòa, chợ đêm hay nhập cho các thiểu thương ở một số chợ. Riêng việc đưa đến các điểm bán rau an toàn, siêu thị và bếp ăn tập thể thời gian qua vẫn chưa thực hiện được. Trao đổi về vấn đề này, anh Phạm Văn Tiến chia sẻ: “Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân trồng rau an toàn cũng như hướng đến việc phát triển sản xuất bền vững, hiện nay địa phương đang liên hệ với một số bếp ăn trường học và khu du lịch Suối Ong, Đồi Trầm để hợp đồng thu mua giúp người dân. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cũng mong rằng chính quyền các cấp cần đầu tư xây dựng nhiều điểm bán rau an toàn vừa giúp các hộ dân tiêu thụ sản phẩm vừa tạo địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng”.
Thiết nghĩ, để giúp người dân yên tâm phát triển mô hình sản xuất rau an toàn để hướng đến nền nông nghiệp bền vững, vấn đề trước mắt là việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, mới có thể tạo động lực để các hộ sản xuất khác tham gia vào mô hình, bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn khi đưa ra thị trường.
Mới đây, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Thuận Hòa 30 triệu đồng để thực hiện tái cấp Chứng nhận VietGAP với 6 hộ sản xuất, diện tích 1,98 ha, sản lượng dự kiến 250,7 tấn/năm thuộc 3 nhóm sản phẩm: rau ăn lá, rau ăn quả và rau gia vị. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc