Đầu tư phát triển cụm công nghiệp: Sẽ có đột phá về cơ chế
Thời gian qua, hoạt động thu hút vốn đầu tư xã hội vào phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao do thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để tạo sức hút mạnh mẽ.
Sở Công thương cho biết, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 24 vị trí phát triển CCN, với tổng diện tích gần 1.214 ha; 14 CCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, tổng diện tích 692,25 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp gần 476 ha.
Trong số này có 8 CCN đang vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa hoạt động với diện tích đất quy hoạch hơn 427 ha, diện tích đất sản xuất công nghiệp 309 ha. 8 CCN này có nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng khoảng 1.262 tỷ đồng, nhưng mới huy động được 293 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 46,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 125 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp dịch vụ hơn 138 tỷ đồng). Vì vốn đầu tư ít nên hạ tầng kỹ thuật các CCN còn nhiều hạn chế, đặc biệt chưa có CCN nào có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.
Về mô hình quản lý, 3 CCN có doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật (CCN Tân An 1, Tân An 2 và CCN Krông Búk 1), 1 CCN đã thành lập Trung tâm Phát triển CCN (CCN Cư Kuin), 10 CCN còn lại do UBND các huyện quản lý. Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù thời gian qua, địa phương triển khai các giải pháp thu hút đầu tư phát triển CCN, nhưng hiệu quả chưa cao, nguồn lực đầu tư vào CCN còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do các thủ tục hành chính liên quan chưa rõ ràng, chưa có chủ thể quản lý đủ tư cách pháp lý, nguồn vốn đầu tư nhỏ lẻ phân tán, cơ chế vận hành chưa cụ thể, thủ tục hành chính chưa phù hợp…
Cổng và đường trục chính Cụm công nghiệp Tân An 1, 2 (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trên thực tế, ngày 25-5-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển CCN, trong đó có những quy định cụ thể về quy hoạch CCN; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN; ưu đãi, hỗ trợ phát triển CCN và quản lý Nhà nước đối với các CCN. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định này tại các địa phương vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Đặc biệt, đến nay vẫn chưa có một nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh về chính sách này, nhất là việc bố trí vốn ngân sách hằng năm hỗ trợ cho việc quản lý, phát triển CCN.
UBND tỉnh xác định, việc xây dựng và thực hiện các chính sách thu hút vốn đầu tư xã hội vào các CCN trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Do đó, các cơ chế, chính sách phải được nghiên cứu, xây dựng một cách kỹ lưỡng trên cơ sở quy định chung của Trung ương và điều kiện cụ thể của địa phương. Các nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong Nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào các CCN trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2019 - 2025, đang được UBND tỉnh và các sở, ngành hoàn chỉnh để sớm thông qua, làm cơ sở triển khai trong thực tiễn.
Nội dung các chính sách đưa ra sẽ giải quyết những tồn tại, vướng mắc, bất cập trong công tác phát triển CCN, trong đó vấn đề quan trọng nhất là khuyến khích đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài CCN thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với CCN, thu hút vốn đầu tư xã hội hóa và các nguồn vốn khác. Cụ thể, đến năm 2025, các CCN đều có chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng được xây dựng cơ bản đồng bộ. Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ, nhân sự, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện cần thiết của Ban Quản lý CCN cấp huyện cũng được cụ thể hóa; đồng thời, sẽ hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước đối với các CCN, nhằm phát triển các CCN nhanh và bền vững.
Một dự án hoạt động trong Cụm công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar. |
Đặc biệt, tỉnh cũng xây dựng chế độ ưu đãi, khuyến khích đối với dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN như: được miễn tiền thuê đất 11 năm; được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng vốn đầu tư hoặc được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành; ngân sách tỉnh hỗ trợ từ 20 - 30% vốn đầu tư các hạng mục hạ tầng chủ yếu, bức thiết trong và ngoài CCN gồm: hệ thống xử lý nước thải, đường giao thông và hệ thống thoát nước mưa. Ngoài ra, nhà đầu tư dự án phát triển CCN được hoàn ứng hằng năm tối thiểu 20% vốn ứng đền bù giải phóng mặt bằng; được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đền bù và được ngân sách địa phương hoàn trả lãi suất vay đến khi hoàn ứng xong.
Theo tính toán quy hoạch, trong thời gian tới, sẽ có khoảng 1.900 - 2000 ha mặt bằng trong các CCN có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 lấp đầy 75% diện tích các CCN, tổng vốn đầu tư hạ tầng đạt khoảng 3.400 tỷ đồng. |
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc