Multimedia Đọc Báo in

Đi qua vùng hạn hán... (Kỳ 2)

08:40, 26/04/2019

[links(left)]

Kỳ 2: Sinh kế bị "thiêu đốt"

“Gồng mình” tìm nước cứu cây không thành, người nông dân đành phải chặt bỏ vườn cây. Mất đi nguồn sinh kế, cuộc sống của họ càng thêm chật vật…

“Đứt ruột” chặt bỏ cây trồng

Mấy ngày nay, ông Nguyễn Quang Thuận (thôn 2B, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) tìm người để thuê nhổ bỏ hơn 1 ha hồ tiêu đã chết khô của gia đình mình. Đứng trên mảnh vườn khô khốc chỉ còn lại là những tàn cây héo rũ, ông Thuận xót xa: “Từ đợt hạn hán nặng năm 2016, rẫy tiêu nhà tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều tháng nay nước tưới khan hiếm khiến cây khó có thể phục hồi. Tôi buộc phải nhổ bỏ chúng đi để trồng cây ăn quả”.

 
“Tự tay chặt đi vườn cây mình chăm bón suốt nhiều năm trời cũng xót lắm, đứt ruột lắm chứ. Mấy năm trước cũng khô hạn nhưng không đến nỗi chết cây như thế này. Giờ chỉ cầu trời mưa xuống mới “cứu” được số cây trồng còn lại”.
 
Anh Ngô Văn Hòa (thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn)

Ở xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, tình trạng khô hạn cũng khiến nhiều nhà nông lao đao. Anh Ngô Văn Hòa (thôn 8) buồn bã kể: Nhà có hơn 5 ha trồng đủ loại cây ăn trái như mít, mận, chanh… Nhưng hơn 3 tháng nay nắng hạn kéo dài khiến con suối Ba Tư (nơi cung cấp nguồn nước tưới tiêu duy nhất cho cả thôn) trơ đáy, trong khi hai cơn mưa nhỏ vừa rồi không đủ thấm đất khiến vườn cây khô héo, chết dần. Không còn cách nào khác, gia đình đành ngậm ngùi chặt bỏ gần 2 ha mít, mận 8 năm tuổi.

“Vườn cây này mỗi năm cho gia đình tôi nguồn thu gần 300 triệu đồng nhưng nay đành phải chặt bỏ. Mất đi nguồn thu nhập, lại còn tốn thêm chi phí đầu tư, thời gian để trồng lại vườn mới. Đúng là khô hạn làm gia đình gặp “hạn” theo”, anh Hòa than thở.

Ông Trần Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Huar cho hay, UBND xã đã lập đoàn kiểm tra xác định có gần 30 ha lúa và 60 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó phải chặt bỏ 10,7 ha diện tích cây mít, mận. Trước tình hình đó, xã đã đề nghị Chi nhánh thủy lợi Buôn Đôn xả nước chống hạn và đã cứu được diện tích lúa; còn cây ăn quả cần nguồn nước lớn và nhiều đợt thì không đủ.

Nắng hạn làm vườn chanh nhà anh Ngô Văn Hòa (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đang bị héo lá, khô quả.
Nắng hạn làm vườn chanh nhà anh Ngô Văn Hòa (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) đang bị héo lá, khô quả.

Chật vật mưu sinh

Vừa thu xong vụ mía, anh Y Kô Niê (27 tuổi, ở buôn Ea Lai, xã Krông Jing, huyện M'Đrắk) chuẩn bị đến TP. Buôn Ma Thuột làm phụ hồ. Anh Y Kô than thở: Bây giờ làm nông khó quá. Trồng cây gì cũng chẳng đủ ăn. Gia đình anh đầu tư hết mấy chục triệu đồng trồng mía nhưng thu lại không được bao nhiêu. Do năm nay mùa khô đến sớm, cây mía chủ yếu sống nhờ “nước trời”, mà trời lại không mưa nên cây chưa cao tới đầu người đã bị cháy nắng. Còn 5 sào cà phê của gia đình anh hiện cũng đang nằm “chờ chết” do khô hạn. Nguồn thu nhập chính của gia đình bị mất, anh Y Kô chỉ còn cách đi làm thuê xa nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Lập (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) chặt bỏ cây mít bị chết khô vì thiếu nước.
Ông Nguyễn Xuân Lập (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) chặt bỏ cây mít bị chết khô vì thiếu nước.

Anh Nông Văn Tân (thôn 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) tâm sự: Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo “bền vững” từ năm 2012 đến nay. Đất chỉ có 10 m để cất nhà nên anh phải thuê 2,5 ha đất để trồng cây ngắn ngày. Cuối năm 2018, gia đình xuống giống hơn 1 ha ngô, nhưng chỉ tưới được 2 đợt thì thiếu nước. Ngô vừa trổ cờ thì héo dần, anh đành chặt cho bò ăn. Vụ này coi như gia đình anh mất trắng, trong khi chi phí đầu tư hơn 30 triệu đồng còn chưa trả được. Đã nghèo lại gặp "hạn", gia đình anh chồng chất khó khăn. Hiện anh Tân phải đi làm thuê đủ nghề mong kiếm được chút tiền trả nợ và đầu tư cho vụ mùa sau.

(Còn nữa)

Thùy Duyên - Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.