Multimedia Đọc Báo in

Định vị cho cây cà phê Đắk Lắk (Kỳ 2)

16:07, 16/04/2019
[links(left)]
Chế biến và xuất khẩu chưa xứng tầm
 
Kể từ năm 2014 đến nay, mặc dù tỷ lệ cà phê xuất khẩu của Đắk Lắk chiếm hơn 83% sản lượng cà phê cả nước, nhưng trong đó cà phê chế biến sâu chỉ chiếm bình quân khoảng 3,5%, một tỷ lệ quá khiêm tốn.        
 
Sức lan tỏa thương hiệu còn non yếu
 
Gần đây, niên vụ cà phê 2017 - 2018, tỷ lệ cà phê xuất khẩu có tăng lên 2,37% (so với những niên vụ trước đó), nhưng tỷ trọng cà phê chế biến sâu chỉ tăng 0,11%. Ngay như một số sản phẩm cà phê dù được xuất khẩu mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột, nhưng nó chỉ đến được với các nhà rang xay, còn người tiêu dùng vẫn không hề biết họ đang sử dụng cà phê có nguồn gốc từ vùng đất nổi tiếng này.
 
Nói như ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, những nỗ lực trong việc quảng bá, định danh cho thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột thơm ngon nổi tiếng mà lâu nay chúng ta theo đuổi xem ra vẫn chưa được như kỳ vọng. Có lẽ là do sản phẩm cà phê của Việt Nam vẫn chưa tạo dựng được sức ảnh hưởng mang tính toàn cầu, khả năng định vị cũng như sức lan tỏa của thương hiệu còn quá non yếu. 
 
Chế biến cà phê tại huyện Krông Năng.
Chế biến cà phê tại huyện Krông Năng.
Hiện nay cà phê Robusta của Đắk Lắk được xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhưng việc xuất khẩu chủ yếu thông qua hình thức trung gian, chưa tham gia trực tiếp trên các sàn giao dịch thế giới. Theo Sở Công thương, mặc dù Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã hoàn thiện hồ sơ để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều thị trường trên thế giới và trên địa bàn tỉnh cũng đã có 12 công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý trên với tổng diện tích khoảng 18.000 ha, sản lượng đăng ký gần 50.000 tấn/năm, nhưng hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở đây cũng chỉ áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo hình thức thỏa thuận, hình thành trong quá trình buôn bán với các nhà nhập khẩu nước ngoài.
 
Chính vì vậy, sản lượng và chất lượng cà phê của Đắk Lắk chưa được thị trường xuất khẩu thế giới đánh giá cao, khiến giá cả và số lượng thu mua trở nên bấp bênh, thiếu ổn định… ảnh hưởng đến lợi ích của  người sản xuất cũng như doanh nghiệp xuất khẩu, dẫn đến việc tái đầu tư cho vườn cà phê, kỹ thuật và công nghệ chế biến còn gặp nhiều hạn chế, năng suất, chất lượng sản phẩm không cao.
 
Sản phẩm cà phê chế biến chưa nhiều 
 
Nhìn vào bức tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam nói chung trong những năm qua có thể thấy lượng xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến chưa nhiều. Ở Đắk Lắk nói riêng, đến nay cũng chỉ vài doanh nghiệp nỗ lực theo đuổi và phát triển mục tiêu trên.
 
Về hoạt động chế biến và xuất khẩu, niên vụ 2017 - 2018, Đắk Lắk có 301 cơ sở chế biến cà phê, tăng 41 cơ sở so với niên vụ 2016 - 2017. Xuất khẩu cà phê đạt 191.169 tấn, giảm 9.993 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, giảm 80,23 triệu USD so với niên vụ trước.
 
 

Biết rằng cà phê chế biến của Việt Nam được bạn hàng và thị trường thế giới ưa chuộng, nhưng để sản phẩm ấy đến tay người tiêu dùng là vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc từ nhiều phía - người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước. Sự đơn độc của một phía nào đó, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cà phê sẽ khiến quá trình này (sản xuất đến tiêu dùng) chậm lại, thậm chí đứng yên.

Ví như Tập đoàn Trung Nguyên, gần 20 năm trước đã có “kịch bản” xâm nhập toàn cầu bằng nhiều sản phẩm cà phê chế biến xuất xứ từ vùng đất nổi tiếng Buôn Ma Thuột, tuy nhiên, cho đến nay chỉ duy nhất G7 của họ đáp ứng được bước đầu yêu cầu của “đế chế” bán lẻ toàn cầu Walmart. Sảm phẩm này hiện đang có mặt khiêm tốn trong hệ thống Siêu thị Walmart tại một số quốc gia Nam Mỹ như Chile, Brazil, Mexico và Trung Quốc.
 
Còn cà phê An Thái cũng chỉ xuất khẩu khoảng 2.000 tấn cà phê tinh chế ra thị trường thế giới. Ông Nguyễn Xuân Lợi - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê An Thái chia sẻ: Đây là nỗ lực lớn trong việc nắm bắt nhu cầu, xu thế tiêu dùng ngày càng đa dạng và phong phú của khách hàng. Ngoài những sản phẩm đơn giản như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, hiện An Thái đã có thêm cà phê phin giấy theo công nghệ Mỹ, cà phê viên nén, cà phê hạt rang nguyên chất theo từng giống riêng biệt như Arabica, Moka, Robusta và cà phê Culi mà trước đây rất ít người biết đến.
 
Dù trên thị trường trong và ngoài nước đã xuất hiện khá nhiều sản phẩm cà phê chế biến với một số thương hiệu đã định hình, nhưng thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa thể hài lòng với kết quả chế biến sâu của ngành cà phê Đắk Lắk hiện có. Việc thúc đẩy mạnh mẽ chế biến sâu cho ngành cà phê ở đây đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm một cách nghiêm túc, nhưng sàng lọc và phát triển theo đường hướng nào nhằm nâng cao chuỗi giá trị kinh tế cho mặt hàng chiến lược này là vấn đề đặt ra không riêng gì cho doanh nghiệp, mà cho cả cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê và các cấp, ngành liên quan.
 
(Còn nữa)
 
Đình Đối
Kỳ cuối: Cần những bước đi phù hợp
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.