Multimedia Đọc Báo in

Hòa Phú loay hoay tìm đầu ra cho rau an toàn

09:28, 22/04/2019

Tận dụng thế mạnh của địa phương, từ nhiều năm nay nhiều hộ dân trồng rau trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác để trồng rau an toàn; thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, người trồng rau an toàn nơi đây vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.

Đáp ứng nhu cầu về sử dụng rau sạch của người tiêu dùng, năm 2014, Tổ hợp tác Rau an toàn Phú Vinh (xã Hòa Phú) theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập gồm 21 hộ dân tham gia với tổng diện tích gieo trồng 3,3 ha.

Theo đó, để bảo đảm các quy định về sản xuất và chất lượng sản phẩm, các hộ tham gia mô hình được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau, công tác vệ sinh đồng ruộng… Vốn đã quen với việc trồng rau theo phương pháp truyền thống nên khi chuyển sang sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên trong Tổ hợp tác phải thay đổi thói quen, đặc biệt là trong việc sử dụng các loại phân bón cho cây trồng. Việc sản xuất đã khó song thực tế việc tìm đầu ra cho sản phẩm còn khó gấp bội lần.

Vườn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Thành.
Vườn rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Thành.

Theo chị Vàng Thị Huệ (thôn 4), một trong những hộ tham gia sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình chị có 6 sào đất trồng các loại rau muống, cải, đậu ve… Từ ngày tham gia vào tổ hợp tác, vì phải tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt nên sản lượng rau thu được thấp hơn nhiều so với sản xuất như trước đây. Tuy nhiên việc tiêu thụ cũng không mấy khả quan, mà giá cả khi bán ra thị trường thì chỉ bằng giá rau của các hộ làm theo phương pháp truyền thống.

 
“Nguyện vọng của các hộ trồng rau an toàn bây giờ chưa phải là mong muốn giá rau phải cao hơn so với rau truyền thống, mà trước hết tìm được đầu ra ổn định, xây dựng các điểm tiêu thụ sản phẩm để tránh bị đánh đồng rau an toàn với các loại rau khác. Có như vậy thì rau an toàn mới dần khẳng định giá trị, chỗ đứng trên thị trường”.
 
Ông Dương Tấn Thoại, Tổ trưởng Tổ hợp tác Rau an toàn Phú Vinh

Hộ ông Nguyễn Văn Thành (thôn 4) gắn bó với nghề trồng rau đã hơn 30 năm, đây cũng là nguồn thu chính của gia đình. Do đó, khi Tổ hợp rác Rau an toàn Phú Vinh được thành lập, ông liền tham gia với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm rau cũng như giá cả để ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, ông cũng đã đầu tư kinh phí để lắp hệ thống tưới nước tiết kiệm trên diện tích 2 sào rau. Tuy nhiên, sản phẩm rau an toàn của gia đình ông chỉ được các thương lái đến thu mua với giá sàn như các hộ khác.

Chính việc tuân thủ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt, tốn nhiều thời gian, công lao động, sản lượng thấp nhưng giá cả chẳng cao hơn, số lượng tiêu thụ rất ít so với sản lượng rau thu hoạch nên người trồng đành phải đem ra chợ bán. Khi đã ra tới chợ thì rau an toàn cũng có giá như bao loại rau bình thường khác khiến nhiều hộ nản chí, rời khỏi tổ hợp tác trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Không những thế, khi thành lập, Tổ hợp tác đã đầu tư xây dựng nhà sơ chế và bảo quản rau với tổng trị giá gần 100 triệu đồng (trong đó, UBND thành phố hỗ trợ 40 triệu đồng) nhưng hiện nay đành bỏ phí.

Vườn rau an toàn của một hộ gia đình ở xã Hòa Phú chuyên cung cấp cho một trường học ở TP. Hồ Chí Minh.
Vườn rau an toàn của một hộ gia đình ở xã Hòa Phú chuyên cung cấp cho một trường học ở TP. Hồ Chí Minh.

Tổ hợp tác Rau an toàn Phú Vinh hiện còn 7 hộ tham gia với tổng diện tích gần 2 ha. Đầu ra các sản phẩm hiện nay chủ yếu vẫn do các thương lái đến thu mua, còn lại của hộ dân tự đưa ra các chợ để bán với giá thành không khác gì rau sản xuất truyền thống. Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Để giải quyết đầu ra cho rau an toàn, hiện nay địa phương đang liên hệ với các trường học bán trú, các khu du lịch trên địa bàn thành phố để tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân. Tuy vậy, nếu được thì số lượng tiêu thụ cũng không nhiều, do đó các ban, ngành cần có giải pháp hỗ trợ trong vấn đề tiêu thụ rau an toàn để thu hút người dân tham gia sản xuất bền vững”.

Được biết, năm 2014, Tổ hợp tác Rau an toàn Phú Vinh được cấp Chứng nhận VietGAP cho 3,2 ha rau trong giai đoạn 2014 - 2016, kinh phí do UBND thành phố hỗ trợ. Sau giai đoạn này, do đầu ra của rau còn bấp bênh, giá thấp nên đơn vị không đủ kinh phí xin tái cấp Chứng nhận VietGAP. Đến đầu năm 2019, UBND thành phố đã hỗ trợ 30 triệu đồng để thực hiện thủ tục tái cấp Chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.