Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Quyết liệt ngăn ngừa dịch tả heo châu Phi

08:48, 04/04/2019

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cùng với đó là dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh vừa công bố, người chăn nuôi ở huyện Ea H’leo đang tăng cường nhiều biện pháp để phòng dịch.

Gia đình ông Phạm Văn Chữ ở thôn 5 (xã Ea Nam) là một trong những hộ chăn nuôi lớn nhất của huyện với quy mô đàn heo gần 800 con (gần 100 heo nái, 700 con heo thịt và heo con). Trang trại chăn nuôi heo của ông Chữ có diện tích trên 3.000 m2, được xây dựng theo quy trình VietGAP nên đòi hỏi khắt khe về địa điểm bố trí khu chăn nuôi; chuồng trại, thiết bị chăn nuôi; giống và quản lý chăn nuôi; vệ sinh, thức ăn của vật nuôi. Hằng ngày, ông Chữ đều phải ghi nhật ký chi tiết, theo dõi mọi diễn biến cũng như những tác động của con người tới vật nuôi, chính cách làm này đã giúp ông kiểm soát được dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng. Ông Chữ chia sẻ: “Xây dựng mô hình chăn nuôi heo theo hướng VietGAP nên những  kiến thức, nghiệp vụ về phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được tôi thực hiện đầy đủ. Cùng với đó, tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng các loại hóa chất, vôi bột để thực hiện phun hóa chất khử trùng 2 lần/tuần và rắc vôi bột vệ sinh xung quanh khu vực chuồng trại chăn nuôi”.

Một hộ chăn nuôi ở huyện Ea H'leo tiêm vắc xin phòng bệnh cho heo.
Một hộ chăn nuôi ở huyện Ea H'leo tiêm vắc xin phòng bệnh cho heo.
 

“Huyện đã đề xuất Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ địa phương vắc xin thực hiện công tác tiêm phòng, đồng thời sớm ban hành văn bản quy định giá hỗ trợ khi tiêu hủy heo trên địa bàn, công khai giá hỗ trợ cho người chăn nuôi; thành lập đội phòng chống dịch bệnh để thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi…”.

 
 
Phó Chủ tịch huyện Ea H’leo Phan Tiến Dũng

Không riêng hộ ông Chữ, theo ghi nhận của ngành chức năng huyện Ea H’leo, hầu hết các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động phun hóa chất, rắc vôi bột để tiêu độc khử trùng, giảm tối đa các nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Ông Bùi Công Lăng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, tổng đàn heo trên địa bàn hiện khoảng hơn 43.000 con. Nhằm chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi, địa phương đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp 2.000 liều vắc xin và 250 lít hóa chất để cấp phát cho các hộ chăn nuôi thực hiện việc tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại. Phòng NN-PTNT huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn biện pháp chuyên môn phòng dịch cho các hộ chăn nuôi, vận động ký cam kết không vận chuyển, không vứt xác heo bị bệnh ra môi trường, khai báo khi thấy đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường… Với quy mô đàn heo như hiện nay, thì lượng hóa chất được cấp không đáp ứng đủ nhu cầu, nên nhiều hộ chăn nuôi ở huyện chủ động mua hóa chất, vôi bột để vệ sinh chuồng trại, phòng dịch. "Trong khi nhiều người chăn nuôi chủ động, tích cực phòng chống dịch, thực hiện cam kết với cơ quan thú y, vẫn còn không ít thương lái, người chăn nuôi chủ quan với việc phòng, chống dịch. Điều này đặc biệt nguy hiểm trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh hiện nay. Nếu không quyết liệt ngăn chặn, khống chế, dịch bệnh có thể gây tổn thất lớn đối với ngành chăn nuôi huyện…", ông Lăng quan ngại.

Hộ ông Phạm Văn Chữ đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.
Hộ ông Phạm Văn Chữ đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Theo ông Phan Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 650/QĐ-UBND công bố dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Ea H’leo thuộc vùng uy hiếp của dịch, mặt khác bệnh dịch tả heo châu Phi cũng đang diễn biến phức tạp trên cả nước trong bối cảnh trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh thì việc rắc vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc khử trùng là biện pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào địa bàn. Về phía huyện đã ban hành kế hoạch hành động, triển khai các giải pháp cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, ban, ngành liên quan và UBND xã, thị trấn chống dịch bệnh; siết chặt quản lý kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo và các sản phẩm của heo trên địa bàn. UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kiểm dịch, kiểm soát không để heo bệnh, heo không rõ nguồn gốc xâm nhập vào địa bàn; thường xuyên thông tin, tuyên truyền về tình hình bệnh dịch, các biện pháp phòng, chống đến cán bộ, đảng viên và nhân dân…

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.