Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích từ mô hình phát triển đồng cỏ chăn nuôi

09:14, 23/04/2019

Những năm qua, mô hình “Phát triển đồng cỏ chăn nuôi” được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại các địa phương đã mang lại nhiều lợi ích, giúp các hộ chăn nuôi bò chủ động được nguồn thức ăn có chất lượng hơn cho đàn vật nuôi.

Xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) là địa phương đã triển khai mô hình “Phát triển đồng cỏ chăn nuôi” mang lại hiệu quả rõ rệt. Tháng 10-2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông thành phố và UBND xã Hòa Khánh triển khai mô hình trồng cỏ trên diện tích 1,4 ha của 7 hộ dân. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% cây giống, quy trình kỹ thuật và 50% vật tư.

Anh Nguyễn Đình Hùng (thôn 8) cho biết, gia đình anh nuôi bò đã hơn 5 năm, lúc cao điểm lên đến 7 - 10 con bò sinh sản. Trước đây, anh thường tìm kiếm nguồn thức ăn cho bò bằng cách chăn thả ngoài đồng hoặc tận dụng rơm rạ, cây ngô sau mỗi vụ thu hoạch nên chất lượng đàn bò không cao. Khi tham gia mô hình, được hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu cùng kỹ thuật trồng, chăm sóc, anh mạnh dạn chuyển 3 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, hướng đến chăn nuôi bền vững.

Sau gần 2 tháng, vườn cỏ sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao đạt trên 3 m, năng suất đạt 10 - 12 kg/m2. Từ khi trồng cỏ, anh Hùng đã chủ động được nguồn thức ăn sạch giàu dinh dưỡng cho đàn bò, tiết kiệm thời gian chăn thả. Thấy được hiệu quả của việc trồng cỏ nuôi bò, nhiều hộ đã tìm đến học hỏi và nhân rộng mô hình.

Anh Nguyễn Đình Hùng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cho bò ăn bằng cỏ trồng trong vườn nhà.
Anh Nguyễn Đình Hùng (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) cho bò ăn bằng cỏ trồng trong vườn nhà.
 
“Trước thực tế diện tích đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, việc trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò đang là hướng đi phù hợp, tạo sự chuyển biến dần từ tập quán nuôi chăn thả sang hình thức nuôi nhốt chuồng, hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi và tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi”.
 
Ông Lê Hoa, Trưởng Phòng Vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh

Tương tự, từ mô hình “Phát triển đồng cỏ chăn nuôi” thực nghiệm tại 5 hộ nuôi bò ở xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), đến nay, sau hơn 1 năm, mô hình đã được nhiều bà con tại địa phương áp dụng.

Đang vào thời điểm mùa khô hạn nhưng với 3 sào cỏ, gia đình ông Nguyễn Văn Năm (thôn 9) không còn lo lắng nguồn thức ăn cho đàn bò. Ông Năm chia sẻ: “Nhờ có đồng cỏ, mỗi ngày tôi chỉ cần dành ít thời gian cắt cho bò ăn, không phải tốn công chăn thả như trước nữa. So với trước đây trồng cây hoa màu thì trồng cỏ nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao hơn, vì vừa tiết kiệm được thời gian, công chăm sóc, năng suất vượt trội, lại tận dụng được nguồn phế phẩm làm phân hữu cơ bón cho cây trồng”.

Có nguồn thức ăn dồi dào, giàu chất dinh dưỡng, đàn bò 7 con của gia đình ông Năm phát triển béo khỏe, cho xuất chuồng 2 lứa/năm, mỗi lứa 3 con.

Ông Lê Hoa, Trưởng Phòng Vật nuôi - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mô hình “Phát triển đồng cỏ chăn nuôi” sử dụng giống cỏ VA06 - giống lai tạo giữa cỏ voi và cỏ đuôi sói có nguồn gốc từ châu Mỹ, với nhiều ưu điểm như: tỷ lệ lá cao, thân và lá mềm, ít lông, sức chống chịu tốt, sinh trưởng rất nhanh, năng suất cao và giàu dinh dưỡng… Sau trồng khoảng 50 - 60 ngày sẽ cho cắt lứa đầu tiên và thu 7 - 8 vụ/năm, năng suất trung bình 100 tấn/ha/vụ, trồng một lần thu liên tục từ 6 - 7 năm.

Mô hình trồng cỏ VA06 của ông Nguyễn Văn Năm (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng).
Mô hình trồng cỏ VA06 của ông Nguyễn Văn Năm (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng).

Bình quân mỗi sào cỏ có thể đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho 2 - 3 con bò mẹ. Cũng theo ông Lê Hoa, mô hình này đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2002 nhằm tạo ra những mô hình điểm đưa giống cỏ năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khuyến khích bà con nông dân phát triển quy mô đàn bò kết hợp trồng cỏ.

Dù thấy rõ hiệu quả từ việc trồng cỏ gắn với chăn nuôi, song trên thực tế không phải hộ dân nào cũng có thể thực hiện do thiếu đất, vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật. Nhiều hộ vẫn còn trồng giống cỏ cũ chưa đem lại năng suất, chất lượng cao. Để tiếp tục nhân rộng mô hình “Phát triển đồng cỏ chăn nuôi”, thời gian tới Trung tâm sẽ phối hợp cùng các địa phương tăng cường khuyến nông, tổ chức hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, khuyến khích các hộ có khả năng lập trang trại chăn nuôi lớn để tạo thương hiệu trên thị trường và ổn định đầu ra.

Thùy Linh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.