Sản xuất nông nghiệp đối mặt với khô hạn
Đắk Lắk đang bước vào đỉnh điểm của mùa khô, mực nước ở các hồ đập, sông suối đang ở mức rất thấp. Mặc dù đã có một vài cơn mưa trái mùa, nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước của hàng nghìn héc ta cây trồng.
Nguy cơ thiếu nước chống hạn
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, vụ đông xuân 2018 – 2019, toàn tỉnh có khoảng 316.000 ha cây trồng các loại cần tưới nước (lúa nước 40.000 ha; cây trồng cạn ngắn ngày 16.000 ha và cây trồng lâu năm 260.000 ha). Trong đó, khoảng 145.000 ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 171.000 ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm. Hiện toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước, với tổng dung tích hồ chứa có khoảng 650 triệu m3. Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa thủy lợi đã giảm mạnh, các hồ vừa và lớn phổ biến còn khoảng 40 - 70 % dung tích thiết kế; các hồ nhỏ chủ yếu gần đến mực nước chết hoặc đã cạn (có 66 hồ chứa bị cạn). Mực nước các sông suối duy trì ở mức thấp, một số suối nhỏ không còn dòng chảy, mực nước ngầm giảm sâu hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến nay, một số huyện đang xảy ra hạn hán như Ea Súp, Krông Pắc, Krông Búk, Buôn Đôn, Lắk, Krông Năng, Ea H’leo… với gần 4.630 ha cây trồng các loại bị thiếu nước tưới (gồm 964 ha lúa, trên 3.662 ha cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả). Dự kiến đến cuối tháng 4-2019, tình hình thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt có thể xảy ra trên diện rộng ở nhiều vùng trong tỉnh.
Nhiều thửa ruộng trên cánh đồng thôn 5, xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) bị khô cháy do thiếu nước. |
Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trong số 246 hồ chứa công ty đang quản lý còn 13 hồ ở mức nước dâng bình thường, 35 hồ đạt 70 – 90%, 53 hồ đạt 50 – 70%, 94 hồ dưới 50% và 51 hồ đã cạn nước. Các hồ đã cạn nước chủ yếu là các hồ có lưu vực nhỏ, lượng nước đến không có. Vụ đông xuân 2018 - 2019 công ty đã thực hiện ký kết hợp đồng tưới nước cho trên 48.493 ha đất canh tác, trong đó lúa 21.465,28 ha; cà phê 25.051,03 ha; hoa màu 1.704,88 ha; thủy sản 272,69 ha. Đến nay công tác phục vụ tưới đã cơ bản hoàn thành, diện tích lúa thuộc khu tưới của một số công trình đã cạn nước cũng đang trong giai đoạn chắc xanh hoặc đang thu hoạch, diện tích cà phê cũng đã tưới được từ 2 – 3 đợt và đang phát triển bình thường. Tuy nhiên, trường hợp đến cuối tháng 4-2019 nếu thời tiết vẫn tiếp tục nắng nóng và không có mưa sẽ có khoảng 32,7 ha lúa thuộc công trình đập dâng Ea Blong 3 và Ea Blong 2 (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) sẽ bị thiếu nước vì hiện nay suối đã cạn và không còn nguồn để chống hạn nên khả năng bị cháy là rất cao. Ngoài ra, một số công trình trên địa bàn Krông Pắc, Lắk, Cư M’gar cũng sẽ phải thực hiện công tác chống hạn.
Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp
Nhằm chủ động chống hạn, Sở NN-PTNT đã ban hành Công văn số 646/SNN-PCTT, ngày 12-3-2019 về đôn đốc triển khai công tác chống hạn vụ đông xuân 2018 – 2019. Trong đó tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chủ quản lý công trình thủy lợi tăng cường quản lý nguồn nước; căn cứ nguồn nước hiện có để điều tiết cấp nước chống hạn theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các địa phương hiện đang tích cực triển khai nhiều giải pháp chống hạn phù hợp với từng vùng, nhằm đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.
Tại huyện Krông Búk, các biện pháp chống hạn được triển khai quyết liệt. Theo ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 989/20.000 ha cà phê bị thiếu nước. Nguồn nước ở các hồ đập đã giảm mạnh; ở các hồ đập nhỏ hầu hết đã cạn không đáp ứng được nhu cầu tưới của toàn bộ diện tích cây trồng trên địa bàn huyện. Để ứng phó với nguy cơ khô hạn kéo dài, huyện đã chỉ đạo các xã, hợp tác xã, tổ thủy nông trên địa bàn có phương án điều tiết nước hợp lý, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hạn; khuyến cáo người dân thực hiện tủ rơm, lá khô dưới gốc cây để giữ ẩm cho vườn cây và ứng dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm…
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, do chủ động trong công tác phòng chống hạn ngay từ đầu vụ nên tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 6 công trình phải thực hiện các biện pháp chống hạn. Tổng diện tích đã và đang được chống hạn là 352,87 ha, trong đó lúa 245,87 ha, cà phê 107,2 ha. Biện pháp chống hạn tại những công trình là nạo vét các tuyến kênh dẫn, cửa vào - ra cống lấy nước, thực hiện điều tiết nước hợp lý, thực hiện bơm tát từ mực nước chết của hồ, hỗ trợ dầu cho người dân tự bơm và điều tiết nước từ các công trình lân cận. Một số hồ chứa phục vụ tưới cà phê ở các địa bàn như Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar cũng đã phục tưới được từ 2 – 3 đợt, sau đó hồ hết nước và đến nay ở những công trình này người dân đang tự bơm từ giếng khoan lên. Để hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra hiện nay Công ty vẫn đang chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, theo dõi nguồn nước tại các công trình, chỉ đạo đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai biện pháp chống hạn cho những công trình còn nguồn; đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác nghiệm thu, thanh lý hợp đồng dùng nước và chuẩn bị công tác phục tưới hè thu 2019.
Người dân ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) khoan giếng tìm nguồn nước. |
Hiện nay, Sở NN-PTNT đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tổng hợp tình hình hạn hán, công tác phòng chống hạn và kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán để tham mưu UBND tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần lựa chọn một số dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp công trình thủy lợi cấp bách, mang lại hiệu quả lâu dài phục vụ công tác phòng chống hạn nhằm từng bước khắc phục tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 11 đến 16-4 mưa đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có một số huyện có lượng mưa khá như: xã Ea Sin (huyện Krông Búk) 93mm; xã Ea Toh (huyện Krông Năng) là 65 mm; xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) là 59 mm... Đây là đợt mưa trái mùa, mới góp phần làm “hạ nhiệt” cho một số vùng thiếu nước. Người dân vẫn cần sử dụng nước tiết kiệm và chủ động chống hạn cho cây trồng. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc