Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hiệu quả đến đâu? (Kỳ 1)
Hỗ trợ tín dụng đối với người nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi, đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh tế, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Trong những năm qua, nguồn vốn này được xem là “cứu cánh” giúp nhiều hộ dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập trong việc hỗ trợ cũng như sử dụng khiến nguồn vốn này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.
Kỳ 1: Nhiều “kênh” vốn hỗ trợ hộ nghèo
Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được xem là một trong những “kênh” vốn tín dụng quan trọng giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống.
Nguồn lực giúp thoát nghèo
Để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân, những năm qua, NHCSXH từ tỉnh đến địa phương đã phối hợp tốt với các hội, đoàn thể và các tổ nhóm giao dịch tại cơ sở trong hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn. Nguồn vốn cho vay đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ở thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông), gia đình chị Trần Thị Lan được biết đến là tấm gương vươn lên thoát nghèo tiêu biểu. Năm 2015, chị Lan được Hội Nông dân xã tín chấp với NHCSXH huyện cho vay 15 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo. Từ nguồn vốn này, chị vay mượn thêm người thân để phát triển mô hình nuôi bò nhốt. Mô hình này đã phát huy hiệu quả giúp gia đình chị có thêm thu nhập 50 triệu đồng/năm, vươn lên thoát nghèo. Ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, cùng với gia đình chị Lan, còn có hàng chục gia đình hội viên nông dân trong xã đã thoát nghèo mỗi năm nhờ sử dụng hiệu quả nguồn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo…
Tổ giao dịch lưu động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh giao dịch tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. |
Gia đình anh Hoàng Văn Chiều ở thôn 3, xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ) vốn là hộ nghèo. Đầu năm 2017, thông qua sự ủy thác của Hội Nông dân xã, anh mạnh dạn vay 40 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư phân bón, máy bơm chăm sóc 1 ha cà phê, đồng thời mua thêm giống sầu riêng, bơ trồng xen trong rẫy. Nhờ chịu khó lao động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cà phê tăng lên 4 tấn nhân/vụ (cao gấp đôi so với thời điểm từ năm 2017 trở về trước). Cùng với đó, các loại cây trồng xen trong rẫy cũng phát triển tốt. Mặc dù khoản vay của gia đình đến năm 2021 mới phải trả gốc nhưng đầu năm 2019 vừa qua, anh đã trả được 30 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Chiều đã vươn lên thoát nghèo.
Chỉ tính trong năm 2018, nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho 30.586 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh; giúp 12.087 hộ gia đình ở nông thôn được vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 909 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn phục vụ con em học tập; 2.456 lao động được vay vốn tạo việc làm; 8.548 hộ gia đình sinh sống ở vùng khó khăn được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; 2.447 hộ hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Hội thảo về trồng ngô lai giúp nông dân huyện Buôn Đôn phát huy hiệu quả vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. |
Đẩy mạnh các chương trình tín dụng
Không chỉ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng theo các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, các hộ dân còn được vay vốn ưu đãi theo chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nguồn vốn này đã giúp rất nhiều hộ dân có điều kiện để cải tạo hệ thống nước sinh hoạt, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh khép kín... góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
“Hết năm 2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt hơn 4.368 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức hội quản lý là 2.562,1 tỷ đồng cho 71.872 hộ nghèo và hộ chính sách khác vay. Ước đến hết tháng 3-2019, tổng dư nợ đạt 4.468 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh
|
Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, các hội, đoàn thể còn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm tạo ý thức cho hội viên tiết kiệm hằng tháng, làm quen với các dịch vụ tài chính, từ đó tạo thêm vốn tự có để tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, đến hết năm 2018, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn đạt gần 205 tỷ đồng, trong đó số huy động trong năm 2018 trên 37,4 tỷ đồng (đạt 249,42% kế hoạch), số tổ viên tham gia gửi tiết kiệm bình quân hằng tháng là 114.248 hộ (bằng 71,3% số hộ vay vốn).
Theo đánh giá của ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được nâng lên, hiệu quả sử dụng vốn ngày càng cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, cuối năm 2018 tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,12%. Thông qua nguồn vốn chính sách cho vay phát triển kinh tế gia đình đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 2018, số hộ nghèo của tỉnh còn 57.180 hộ (giảm 2,56% so với cùng kỳ năm 2017), số hộ cận nghèo 43.376 hộ (giảm 0,08%).
(Còn nữa)
Lê Lan – Lê Thành – Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc