Trái cây sấy - hướng đi mở cho vùng cây ăn trái
Đang “ăn nên làm ra” với công việc thu mua, sơ chế các loại trái cây, nhưng đầu năm 2018, anh Nguyễn Ngọc Thuận (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) vẫn vận động anh em, bạn bè cùng góp vốn thành lập Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (HTX), cùng bắt tay hiện thực hóa ý tưởng xây dựng thương hiệu trái cây sấy.
Cơ sở của gia đình anh Thuận bắt đầu sơ chế trái cây từ năm 2012 để cung ứng cho các đối tác tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Các loại trái cây được sơ chế chủ yếu là mít, mãng cầu, bơ, sầu riêng, vải thiều, chanh dây với các công đoạn: ủ chín tự nhiên, tách vỏ, bỏ hạt và làm lạnh nhanh ở nhiệt độ -40oC, rồi đưa vào kho trữ lạnh hoàn toàn cho đến khi vận chuyển. Nhờ nguồn trái cây dồi dào, tận dụng được công lao động nhàn rỗi tại địa phương nên việc gia công, sơ chế trái cây rất thuận tiện.
Qua công việc này, anh Thuận dần kết nối với nhà máy sản xuất các sản phẩm trái cây sấy theo công nghệ hiện đại và nhận thấy đây là hướng đi tốt để phát huy lợi thế của vùng sản xuất trái cây tại địa phương. Anh Thuận xác định, mặt hàng trái cây sấy không còn quá mới mẻ với người tiêu dùng. Vì vậy, muốn xây dựng một thương hiệu mới, HTX phải chú trọng vào chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, yên tâm khi sử dụng. Hai sản phẩm được HTX sản xuất thử nghiệm gồm mít sấy dầu chân không và sầu riêng sấy lạnh thăng hoa. Các nguyên liệu sản xuất được chọn lọc kỹ ngay từ vườn của nông dân. HTX hợp đồng với một nhà máy tại tỉnh Bình Thuận gia công sấy 2 loại trái cây này và mang mẫu sản phẩm đến cơ quan chức năng thẩm định, cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. HTX cũng đã xây dựng được nhãn mác, logo, mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc để dần định vị thương hiệu trên thị trường.
HTX Thương mại và Dịch vụ Lâm Tiến giới thiệu sản phẩm mít sấy đến người tiêu dùng tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019. |
Công tác hình thành vùng sản xuất cũng được tiến hành song song với khâu xây dựng sản phẩm. 3/8 thành viên HTX là kỹ sư nông nghiệp được phân công nhiệm vụ khảo sát hiện trạng, nhu cầu trồng cây ăn trái của khoảng 80 hộ nông dân tại địa bàn huyện Ea Kar và M’Đrắk với tổng diện tích hơn 150 ha. Ngoài việc tư vấn kỹ thuật và cung cấp địa chỉ bán cây giống, vật tư bảo đảm chất lượng để bà con nông dân tham khảo, HTX còn cung cấp thông tin về những quy trình sản xuất có chứng nhận, định hướng nông dân liên kết với HTX để trồng một số loại cây ăn trái phục vụ nhu cầu sơ chế và chế biến thành trái cây sấy. HTX sẽ bao tiêu đầu ra với giá ổn định, có lợi cho nông dân. Dự kiến giữa năm 2019, HTX sẽ hỗ trợ một số vườn cây sản xuất theo quy trình VietGAP và đề nghị các cơ quan chức năng cấp chứng nhận.
Hướng liên kết của HTX bước đầu đã tạo sự phấn khởi cho nhiều nông dân. Chẳng hạn như gia đình chị Trần Thị Lệ (thôn 5, xã Ea Sô, huyện Ea Kar) hiện có 3.000 cây mít Viên Linh và mít lá bàng đang ở trong giai đoạn thu hoạch ổn định. Chị Lệ chia sẻ, mặc dù giá mít hiện tại đang ở mức cao song chị vẫn không tránh khỏi lo lắng khi chứng kiến nhiều loại nông sản rớt giá chỉ sau vài năm “sốt” trên thị trường. Trong khi đó, vườn mít nhà chị sẽ tiếp tục cho sản lượng cao hơn nữa theo độ lớn của cây. Nếu được HTX liên kết, bao tiêu đầu ra, gia đình chị sẽ rất yên tâm để tiếp tục đầu tư chuẩn hóa vườn cây, đảm bảo các tiêu chí của Chứng nhận VietGAP.
Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng diện tích cây ăn trái với các chủng loại ngày càng đa dạng, chất lượng thơm ngon. Tuy nhiên, người tiêu dùng cả nước hầu như chỉ biết đến các mặt hàng trái cây tươi xuất xứ từ Đắk Lắk, còn đa số các sản phẩm trái cây đã qua chế biến đều mang thương hiệu của địa phương khác, đặc biệt là trái cây sấy. Xét về giá trị kinh tế, sản xuất trái cây sấy sẽ thúc đẩy sơ chế đầu vào, giảm chi phí và tỷ lệ hao hụt trong quá trình vận chuyển, giữ giá cả ổn định, giảm khâu trung gian, giảm phụ thuộc vào mùa vụ. Bên cạnh đó, các sản phẩm trái cây sấy lại đang có thị trường rộng mở vì tiện lợi và tốt cho sức khỏe. Do đó, khi HTX Lâm Tiến giới thiệu sản phẩm tại các chương trình hội chợ, hội thảo, triển lãm đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng. Đây chính là nguồn khích lệ để các thành viên HTX kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng thương hiệu trái cây sấy, hướng đến việc tạo đầu ra ổn định cho các loại cây ăn trái của địa phương.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc