Trồng mít Thái, hái ra tiền trên đất bạc màu
10:14, 18/04/2019
Từ hơn 20 năm trước, vợ chồng chị Trần Thị Lệ (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã mua 6 ha đất đồi tại thôn 5, xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Tuy nhiên, do đường sá cách trở, đất khô cằn, nghèo dinh dưỡng nên diện tích này hầu như bị bỏ hoang.
Sau một thời gian mưu sinh với công việc thu mua nông sản, chị Lệ nhận thấy thị trường cây ăn trái đang rộng mở, nhưng việc canh tác của nông dân trong vùng vẫn còn nhỏ lẻ, chất lượng các loại trái cây không đồng đều nên giá trị không cao, tỷ lệ hao hụt nhiều. Năm 2014, chị Lệ quyết tâm cải tạo toàn bộ diện tích đất đồi bỏ hoang của gia đình để trồng cây ăn trái, tập trung vào cây mít.
Trong hai mùa mưa liên tiếp, chị xuống giống 3.000 cây mít Thái lá bàng và mít Viên Linh. Ngoài ra, chị còn trồng xen thêm 50 cây xoài và 20 cây mận để tạo nguồn thu trải đều trong năm. Nhờ chọn giống tốt cùng chế độ tưới nước, bón phân hợp lý nên cây trồng bén rễ rất nhanh. Chỉ sau 2 năm, nhiều cây mít đã cho trái bói. Sang năm tiếp theo, vườn mít bắt đầu cho thu hoạch đồng loạt, trái đều, đẹp, thơm ngon. Chị Lệ cho biết, cây mít chống chịu hạn tốt lại không cần bón nhiều phân như các loại cây trồng khác. Nếu canh tác tốt, cây có thể cho trái quanh năm. Trái mít thường nặng từ 15 – 25 kg, mỗi cây có thể cho thu hoạch hơn 1 tạ trái/năm và tăng dần theo độ tuổi của cây. Những năm gần đây, giá mít luôn dao động từ 7.000 - 14.000 đồng/kg nên lợi nhuận từ việc trồng mít rất lớn.
Chị Trần Thị Lệ kiểm tra mít sắp thu hoạch. |
Công việc thu mua nông sản trước đây đã giúp chị Lệ học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo trái mít đạt chất lượng cao, quả đẹp, múi vàng, không bị “xơ ghèn”. Trong quá trình canh tác, chị cũng nhận thấy giống mít Thái lá bàng nhiều ưu thế hơn vì ít bị bệnh, cho trái to đều và có tuổi thọ cao hơn.
|
Hằng ngày, chị thường xuyên kiểm tra vườn cây để loại bỏ sớm những trái mít không đạt yêu cầu, phát hiện và chữa trị kịp thời khi cây có dấu hiệu bị xì mủ thân, đốm hồng... Chị cũng lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, an toàn cho con người và môi trường để xử lý sâu bệnh, đồng thời tìm hiểu và thử nghiệm phương pháp bọc trái, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu trong vườn cây.
Toàn bộ trái cây trong vườn đều được chị bán trực tiếp cho các đầu mối thu mua tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... hoặc các cơ sở sơ chế, đông lạnh trên địa bàn. Bằng phương pháp “trích mủ”, chị có thể ước lượng thời gian chín của quả mít để đảm bảo cho khâu vận chuyển và quả mít được chín tự nhiên theo yêu cầu của khách hàng. Nhờ đó, mít từ vườn của chị Lệ luôn được khách hàng đánh giá cao.
Nhiều người dân trong vùng tìm đến học hỏi kinh nghiệm, chị Lệ đều chia sẻ nhiệt tình. Theo chị, nhu cầu về mít Thái của thị trường đang rất lớn vì có thể bán tươi và sấy khô. Vườn mít của gia đình chị hiện đang không đủ để cung ứng cho các bạn hàng. Vì vậy, chị rất mong các hộ trong vùng mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất đồi cằn cỗi sang trồng mít để tạo nên một vùng sản xuất tập trung, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm thế mạnh cho địa phương.
Đinh Nga – Hoàng Kha
Ý kiến bạn đọc