Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ hợp tác xã nuôi gà "bốn chung"

08:14, 16/05/2019

Sau một thời gian chăn nuôi gà đồi Hmông hiệu quả, anh Lưu Văn Đức (buôn Cuôr, xã Ea M'droh, huyện Cư M’gar) cùng một số hộ chăn nuôi khác đã xây dựng Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại Phúc (gọi tắt HTX) để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Việc nuôi gà ở HTX được thực hiện theo quy trình “bốn chung”: chung giống, chung kỹ thuật, chung thức ăn chăn nuôi và chung giá bán.

Theo anh Lưu Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX, trước thực tế đất vườn rộng, khí hậu địa phương mát mẻ, thuận lợi cho việc chăn nuôi nên từ năm 2008 anh đã chọn giống gà Hmông chăn thả tự nhiên để gây dựng kinh tế gia đình. Ban đầu, gà Hmông được anh mang con giống từ các tỉnh miền núi phía Bắc về và sau này tự gây dựng con giống. Nhờ biết chọn con giống tốt, lại tự phối trộn thức ăn cho gà bằng các sản phẩm nông nghiệp có sẵn nên gà phát triển tốt. Anh tìm hiểu kiến thức về chăn nuôi, thường xuyên tiêm chủng theo quy định, nghiêm túc thực hiện quy chuẩn về vệ sinh chuồng trại nên gà nuôi tránh được các dịch bệnh. Với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, gà Hmông mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với gà nuôi thông thường. Trang trại chăn nuôi của anh lúc nào cũng có hơn 9.000 con gà thịt, đem lại doanh thu mỗi năm tầm 400 triệu đồng.

Chăn nuôi gà Hmông ở Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại Phúc.
Chăn nuôi gà Hmông ở Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại Phúc.

Không chỉ làm giàu cho gia đình với mức thu nhập khá cao, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giới thiệu cho các nông hộ khác ở địa phương và cung cấp gà giống cho những ai có nhu cầu. Đến tháng 5-2018, anh và những người cùng tâm huyết đã quyết định thành lập HTX để nâng cao hiệu quả kinh tế và xây dựng thương hiệu riêng cho giống gà Hmông ở địa phương. Mô hình nuôi gà theo quy trình VietGAP của HTX ra đời không chỉ tạo mối liên kết trong sản xuất giữa các nông hộ mà còn giải quyết được vấn đề con giống, kỹ thuật, thức ăn chăn nuôi an toàn và tạo đầu ra cho sản phẩm với giá bán ổn định, tránh bị thương lái ép giá. HTX có 9 xã viên góp vốn, với số lượng chăn nuôi hơn 20.000 con gà Hmông, hộ nuôi nhiều nhất là 9.000 con, hộ ít nhất thì cũng hơn 1.000 con.

Việc chăn nuôi luôn được HTX gắn với vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu. Để có sản phẩm gà đồi an toàn đến tay người tiêu dùng, HTX luôn chủ động nguồn con giống, thức ăn và vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc khử trùng định kỳ. Các xã viên phải cùng nhau áp dụng đồng bộ những quy trình, kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo anh Đức, cứ 4 tháng, gà có thể xuất chuồng với giá bán 110.000 đồng/kg. Riêng về giống gà này, nếu để phát triển tự nhiên thì có thể cho trọng lượng lên đến 3 kg, nhưng anh và các xã viên tuân thủ nguyên tắc nghiêm ngặt là gà chắc chắn phải được nuôi thả rông, khống chế trọng lượng khi xuất chuồng chỉ khoảng 1,7kg/con trở lại. Chính việc gà được thả ở vườn đồi, tự kiếm ăn nên khỏe mạnh, thịt chắc, thơm và có giá thành cao hơn thị trường so với giống gà nuôi nhốt. Điều đặc biệt nữa là cách hơn 1 tháng trước ngày xuất chuồng, HTX tuyệt đối không sử dụng chất kháng sinh cho gà, thay vào đó là bổ sung các loại thảo dược phối trộn với thức ăn để tăng sức đề kháng.

Hiện trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.500 con gà với giá bán ổn định. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn ở TP. Buôn Ma Thuột và các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định... Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu nhưng HTX đã tạo điều kiện cho các xã viên của mình có được mức thu nhập tương đối ổn định và có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Việc chung giống, chung kỹ thuật, chung thức ăn chăn nuôi an toàn và bán chung một giá chính là giải pháp, bí quyết để HTX phát triển chăn nuôi ổn định. Anh Lưu Văn Đức cho biết thêm, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ để sản phẩm, thương hiệu gà Hmông Ea M’droh ngày càng vươn xa, thu hút được nhiều xã viên, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.