Làm giàu từ trang trại vườn đồi
Đến xã Cư Êlang (huyện Ea Kar) hỏi nhà anh Lăng Quang Đạo ở thôn 6B, người dân ở đây chỉ nói rất đơn giản: Cứ đến khu vực đập dâng Cư Êlang, thấy nhà nào to nhất, đẹp nhất đó là nhà ông Đạo.
Quả thực ở khu vực này, nổi bật lưng chừng đồi là căn biệt thự bằng gỗ, được bao quanh bởi bạt ngàn cây ăn quả. Anh Đạo kể, năm 1995 khi vừa tròn 20 tuổi anh cùng gia đình từ Lạng Sơn vào Đắk Lắk lập nghiệp, điểm dừng chân đầu tiên là ở xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ). Sau ba năm thuê đất làm ăn, thấy không ổn định nên năm 1998 anh quyết định đưa gia đình về lập nghiệp ở thôn 6B, xã Cư Êlang. Đây là vùng đất sét pha cát, khí hậu nóng nên không có nhiều người ở. Anh Đạo và gia đình lấy ngắn nuôi dài, vừa khai hoang vừa mua thêm đất của những hộ xung quanh, nâng dần tổng diện tích đất của gia đình lên 8 ha.
Trồng được 8.000 gốc cà phê xen tiêu song do thổ nhưỡng không phù hợp, kinh nghiệm chăm sóc chưa nhiều nên cây cà phê cho năng suất thấp, năm 2012 anh Đạo quyết định chặt bỏ dần cà phê để trồng các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi. Nhận thức rằng giống cây trồng sẽ quyết định đến năng suất, hiệu quả vườn cây nên anh rất cẩn trọng trong khâu chọn giống.
Anh tự tìm đến nhà vườn cây ăn quả ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tìm những cây đang cho quả để chọn giống và yêu cầu nhà vườn ở đó chiết. Khi nhánh chiết đã hoàn chỉnh và có thể cắt, anh lại đích thân xuống tận vườn một lần nữa để chắc rằng các nhà vườn cắt những nhánh chiết mà anh chọn trước đó. Theo anh Đạo, làm vậy tuy có mất thời gian, chi phí nhưng đổi lại anh hoàn toàn yên tâm về chất lượng cây giống. Với cách làm “chậm mà chắc” đó, đến nay vườn cây nhà anh đã có 3.000 cây cam, 300 cây bưởi, 300 cây điều, 200 cây mắc ca, 500 trụ tiêu. Ngoài ra anh còn trồng thêm quýt, mít Thái, dổi, ổi… để vừa có thêm thu nhập, vừa làm đa dạng sinh học trong vườn cây nhằm chống lại các loại sâu bệnh.
Anh Lăng Quang Đạo (bìa trái) chia sẻ về cách chăm sóc cây trồng của mình. |
Nghe anh Đạo chia sẻ về cách chăm sóc vườn cây của mình mới thấy tại sao anh lại thành công đến vậy. Chẳng hạn, để cây cho năng suất cao, hạn chế tối đa sâu bệnh, mỗi loại cây anh đều trồng một vùng riêng biệt, nhưng nhiều dòng khác nhau, tạo điều kiện để các dòng cây thụ phấn chéo và phát huy được điểm mạnh của từng dòng. Cùng với đó, anh luôn ưu tiên những dòng cây đặc sản như cam xoàn, cam sành, cam cao phong, bưởi da xanh, bưởi năm roi, mắc ca Úc, mắc ca Ấn Độ, điều cao sản… để sản phẩm có giá trị kinh tế cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích. Anh cũng mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới béc để vừa chủ động lượng nước, phân bón mà lại không tốn nhiều nhân công. Anh bảo, đầu tư ban đầu tuy có tốn kém một chút, nhưng giờ chỉ cần ngồi trên nhà, bật công tắc là hệ thống tưới nước tự động hoạt động, mang nước tưới đến từng gốc cây...
Với cách làm bài bản, mặc dù vườn cây của anh Lăng Quang Đạo mới chỉ trong thời kỳ kiến thiết, chưa phủ hết diện tích nhưng sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm anh cũng thu về được trên dưới 300 triệu đồng. Quan trọng hơn là với sự đa dạng của vườn cây và được chăm sóc khoa học ngay từ đầu thì tính bền vững sẽ được bảo đảm. Theo cách nói hài hước của anh Đạo, khi kiến thiết xong, vườn cây này sẽ như một “cây ATM”, bảo đảm thu nhập cao, lâu dài cho gia đình. Sự hài hước ấy không phải là không có cơ sở. Có một chi tiết không thể bỏ qua là trong suốt cuộc trò chuyện, anh Lăng Quang Đạo liên tục nhận được điện thoại nhờ tư vấn cách chăm sóc cây trồng. Anh cho biết nhiều người là cán bộ Nhà nước có làm thêm rẫy cũng nhờ anh hỗ trợ kỹ thuật để có được vườn cây như ý.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc