Thủ lĩnh Đoàn tìm hướng phát triển kinh tế cho thanh niên
Công tác trên địa bàn xã thuần nông, đời sống của nhân dân phụ thuộc nhiều vào sản phẩm từ cây nông nghiệp, trong khi giá cả thị trường bấp bênh, đã khiến cho anh Nguyễn Đại Duy, Bí thư Đoàn xã Hòa Thành (huyện Krông Bông) luôn trăn trở tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho chính bản thân cũng như tạo công ăn việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Thực tế hằng năm có nhiều thanh niên rời quê hương đi vào miền Nam để làm việc trong các công ty, xí nghiệp, trong đó chủ yếu là ngành may mặc, nhưng thu nhập cũng chẳng là bao vì phải trừ các khoản chi phí tiền trọ, ăn uống, sinh hoạt hằng ngày; mặt khác, nhiều thanh niên ở lại bám trụ quê nhà cũng chưa mấy khá giả, quanh năm lam lũ với ruộng vườn nhưng cũng chỉ đủ ăn… Điều đó đã khiến cho anh Duy nảy ra suy nghĩ đưa xưởng may về chính quê hương để tận dụng nguồn lao động sẵn có, vừa giúp thanh niên có được công việc ổn định, vừa ở lại làm việc ngay chính trên mảnh đất quê nhà. Năm 2017, được hỗ trợ vốn khởi nghiệp cộng với sự quyết tâm, anh đã thành lập xưởng may quần áo gia công tại địa phương với hơn 30 lao động, chủ yếu là các đoàn viên trong xã Hòa Thành và các xã lân cận.
Anh Nguyễn Đại Duy (bìa trái) trong buổi ra mắt xưởng may gia công. |
Khi xưởng may được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động, trở ngại lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm. Một lần nữa anh lại lặn lội đi tìm đối tác để giải quyết vấn đề. Nhờ vào sự giới thiệu của bạn bè, người thân, anh đã kết nối được với xưởng may Cầu Tre (TP. Hồ Chí Minh) để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhờ có sự cam kết chặt chẽ về chất lượng sản phẩm làm ra, giá thành và số lượng tiêu thụ của cả đôi bên đã mang về thu nhập cho xưởng may mỗi năm hơn 100 triệu đồng, thu nhập bình quân của người lao động sau khi trừ chi phí là hơn 4 triệu đồng/người/tháng (chưa tính tăng ca).
Anh Mai Văn Hải, Bí thư Huyện Đoàn Krông Bông
|
Nhớ lại thời gian đầu khi mới thành lập đầy khó khăn, anh Duy tâm sự: Sau khi được đầu tư vốn, mua trang thiết bị, nguyên liệu, anh đã vận động hơn 35 đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia lớp đào tạo may mặc. Kết thúc khóa đào tạo ngắn hạn cũng là lúc xưởng may mặc gia công do anh điều hành bắt đầu hoạt động và cho ra những sản phẩm đầu tiên. Đó cũng là khoảng thời gian mà anh đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức do công nhân hầu hết mới được đào tạo chưa thành thạo nghề may; đầu ra cho sản phẩm còn nhiều trắc trở; các công nhân chưa xử lý kịp thời những vấn đề trục trặc, hỏng hóc của máy móc… Thậm chí đã có lúc anh nghĩ mình phải bỏ cuộc.
Nhưng rồi bằng sự quyết tâm, óc sáng tạo và ý chí vươn lên, anh đã mày mò và tự sửa chữa được những lỗi nhỏ của máy móc. Thợ may cũng ngày một nâng cao về tay nghề, sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ kịp thời nên đã giúp anh hiện thực hóa giấc mơ của mình. Hiện nay cơ sở đã hoạt động ổn định và thường xuyên, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Dự định trong thời gian tới, anh Duy sẽ đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng thị trường để thu hút, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài xã.
Anh Nguyễn Đại Duy (người đứng) tại xưởng may của gia đình. |
Với những đóng góp vì cuộc sống cộng đồng tại địa phương, anh Nguyễn Đại Duy được Huyện Đoàn Krông Bông tuyên dương “Đoàn viên, thanh niên điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh huyện Krông Bông năm 2018".
Vàng A Hiệp
Ý kiến bạn đọc