Thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia: Nhiều tín hiệu tích cực
Trong giai đoạn 2016 - 2018, các chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Điều này đã và đang mang lại nhiều thay đổi tích cực cho vùng nông thôn trên địa bàn Đắk Lắk.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2018, các chính sách về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đồng bộ và kịp thời ở tất cả các cấp, các ngành. Các chương trình MTQG đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo được sự đồng thuận, tham gia của các cấp chính quyền và nhân dân. Theo đó, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nhất là ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp; hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, nước sạch… ngày càng tốt hơn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện.
Hội thảo mô hình trình diễn giống lúa mới cho nông dân tham quan, áp dụng vào sản xuất ở xã Đắk Phơi (huyện Lắk). |
Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, một trong những dự án mang lại hiệu quả là Dự án 2 (Chương trình 135), đã hỗ trợ đầu tư 778 công trình thiết yếu (chủ yếu là giao thông) cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu. Qua đó, cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, giao thương, đảm bảo cho việc tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục… ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, Dự án 2 cũng đã thực hiện 299 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo (chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi) với 6.517 hộ tham gia. Ngoài ra, Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo ở địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135) cũng đã thực hiện được 19 dự án, hỗ trợ cho 333 hộ về trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản sông, hồ.
Chính sách tín dụng ưu đãi cũng đã giải quyết cho vay đối với 166.649 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay trên 3.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo có vốn đầu tư sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập và thoát nghèo; hỗ trợ người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như nước sạch, nhà vệ sinh, nhà ở, giáo dục…
Nhờ việc thực hiện tốt các chính sách, dự án của Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 57.180 hộ nghèo và 43.376 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,37% xuống còn 12,81% (giảm được 2,56%). Đặc biệt, toàn tỉnh có 7/15 huyện, thị xã, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; không còn huyện có hộ nghèo từ 50% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 25,49%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 6,12%, vượt mục tiêu đề ra.
Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM, chính quyền và các tầng lớp nhân dân cũng đã hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2018, bình quân toàn tỉnh đạt 13,84 tiêu chí/xã, tăng 0,64 tiêu chí; có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 xã so với kế hoạch và TP. Buôn Ma Thuột đã hoàn thành xây dựng NTM, với 8/8 xã đạt chuẩn; toàn tỉnh không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí... Đặc biệt là các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị được quan tâm thực hiện, với 109 dự án được triển khai và có khoảng 60 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân bước đầu mang lại hiệu quả. Điều đáng mừng là chương trình đã tạo sự đồng thuận từ phía nhân dân nên đã huy động được sự đóng góp rất lớn của người dân trong thực hiện xây dựng NTM. Chỉ tính trong năm 2018, người dân đã đóng góp khoảng 540 tỷ đồng, 27.000 ngày công lao động, hiến hơn 265.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Mô hình hỗ trợ bò cho hộ nghèo phát triển kinh tế ở huyện Cư Kuin. |
Tuy nhiên, mặc dù các chương trình MTQG đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc thực hiện giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM vẫn thấp so với cả nước. Một trong những nguyên nhân là do mức đầu tư từ ngân sách Trung ương còn thấp, trong khi vốn từ ngân sách địa phương thì hạn hẹp; việc đầu tư xây dựng mô hình ở một số địa phương còn dàn trải, manh mún nên nhiều dự án chưa thật sự phát huy hiệu quả như mong đợi…
Để phấn đấu đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Các chương trình MTQG của tỉnh yêu cầu các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ các cấp và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ nghèo. Riêng đối với Chương trình giảm nghèo vững, cần triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhóm chính sách về hỗ trợ giảm nghèo theo tiêu chí thu nhập; hỗ trợ hộ nghèo giảm thiếu hụt các dịch vụ xã hội; hỗ trợ đạt các tiêu chí về cơ ở hạ tầng. Đối với Chương trình xây dựng NTM, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng hữu cơ, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập cho nông dân theo hướng bền vững; triển khai đồng bộ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tạo ra sản phẩm chủ lực cho mỗi thôn buôn; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; gắn xây dựng NTM với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...
Theo Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của tỉnh, đến hết năm 2019, Chương trình giảm nghèo bền vững phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,46% trở lên. Trong đó, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 4,3%, tại các xã đặc biệt khó khăn là 4,3%; Chương trình xây dựng NTM phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 50 xã, bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã… |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc