Multimedia Đọc Báo in

Trồng sả lấy tinh dầu - hướng phát triển kinh tế mới ở Cư Amung

08:12, 16/05/2019

Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp năng suất thấp, người dân xã Cư Amung (huyện Ea H'leo) đã chọn trồng sả Java để lấy tinh dầu. Kết quả bước đầu cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới.

Là hộ dân đi tiên phong trồng thử nghiệm giống sả Java lấy tinh dầu tại địa phương, chị Phùng Thị Liên (ở thôn 4) dẫn chúng tôi đi thăm vườn trồng sả xanh mướt, phủ kín sườn đồi của mình. Chị Liên cho hay: Trước kia, gia đình canh tác gần 6 ha đất, trong đó có 1 ha cà phê xen canh tiêu, 5 ha cao su. Tuy nhiên, do diện tích các cây trồng này đều già cỗi nên cho năng suất thấp. Tháng 8-2017, chị đầu tư trồng 1,6 ha sả xen canh với cây cao su. Lứa sả năm đầu, gia đình thu hoạch được 8 lượt, cho 20 kg tinh dầu/lượt, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 60 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế, tháng 6-2018, gia đình chị quyết định trồng thêm 1 ha cây sả xen canh cây cao su.

Mô hình trồng sả  xen canh  với cây  cao su đang được gia đình chị Phùng  Thị Liên  (thôn 4,  xã Cư Amung)  áp dụng.
Mô hình trồng sả xen canh với cây cao su đang được gia đình chị Phùng Thị Liên (thôn 4, xã Cư Amung) áp dụng.

Theo chị Liên, ưu điểm của cây sả là dễ trồng, không kén đất, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, nhất là không tốn nhiều công chăm sóc. Từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất 3 tháng, mỗi lứa sả cho thu hoạch cách nhau khoảng 40 – 50 ngày nên tinh dầu sả có thể xuất bán liên tục quanh năm. Chị Liên dự kiến đến đầu năm 2020 sẽ tiếp tục chặt bỏ 2 ha cao su già cỗi để mở rộng diện tích trồng sả.

Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây sả mang lại, cấp ủy, chính quyền xã Cư Amung đã tích cực vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cây sả ra toàn xã và xác định đây là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Amung cho biết, toàn xã hiện đã chuyển đổi hơn 40 ha đất trồng các loại cây già cỗi, năng suất thấp sang trồng sả lấy tinh dầu. Dự kiến, đến cuối năm diện tích trồng sả tại địa phương sẽ lên trên 100 ha.

“Nếu thời tiết thuận lợi, sả sẽ cho thu hoạch 7-8 đợt/năm, năng suất đạt 5-7 tấn/đợt/ha trồng chuyên canh, thu được khoảng 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí nông dân lãi khoảng 80%. Đây là nguồn thu đáng kể đối với nông dân trong tình hình giá cây công nghiệp xuống thấp hiện nay” - ông Đỗ Đức Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung.

Ông Nguyễn Thành Trung cho biết thêm, tháng 10-2018, Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung được thành lập, đứng ra cung ứng cây giống và tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sả cho các hộ tham gia mô hình và ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các hộ dân theo giá thị trường. Hợp tác xã cũng đã đầu tư xây dựng lò chưng cất tinh dầu sả với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng, công suất chế biến tối đa 3 tấn lá sả/ngày. Tất cả sản phẩm tinh dầu sả đều được Hợp tác xã bán cho các công ty thu mua tại TP. Hồ Chí Minh để sử dụng làm dược liệu và xuất khẩu...

Lò chưng cất tinh dầu của Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung đạt công suất 3 tấn sả/ngày.
Lò chưng cất tinh dầu của Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung đạt công suất 3 tấn sả/ngày.

Để cây sả có thể phát triển bền vững ở địa phương, Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung đã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trồng sả theo tiêu chuẩn Organic để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Cư Amung phân tích: “Chúng tôi hướng dẫn người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà trồng xen cây lạc dại để tạo độ mùn, tăng chất dinh dưỡng cho đất. Phải có “vùng đệm an toàn” với vườn trồng cây có phun thuốc bảo vệ thực vật, tối thiểu là 100 m... Quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Organic bước đầu người dân sẽ gặp khó khăn, nhưng để tính lâu dài thì đây đang là hướng đi tất yếu, vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Chủ tịch UBND xã Cư Amung Nguyễn Thành Trung đánh giá: Mô hình trồng sả đã mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, phù hợp với chủ trương của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích năng suất thấp. Mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.