Tự làm phân vi sinh để tăng hiệu quả canh tác cây trồng
Hiện nay, hầu hết người dân ở phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ) đã tự làm chủ quy trình ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê để chủ động tạo nguồn phân bón, từ đó tiết kiệm chi phí mua phân bón, làm tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Phường Thiện An có 650 ha đất nông nghiệp, là vùng chuyên canh cây cà phê của thị xã Buôn Hồ với diện tích khoảng 350 ha, còn lại là tiêu và các loại cây ăn quả. Trước đây, người dân sau khi xay cà phê xong thường đổ vứt vỏ, không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, sản sinh các mầm bệnh.
Nhiều năm trở lại đây, dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn, nông dân phường Thiện An đã biết sử dụng vỏ cà phê đem ủ làm phân vi sinh. Hiện tại, có đến gần 90% người trồng cà phê ở đây đã biết tự ủ vỏ trấu cà phê. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, bởi phân vi sinh được ủ từ vỏ cà phê an toàn và đảm bảo chất lượng hơn gấp nhiều lần so với phân bón vi sinh bán sẵn ở ngoài thị trường.
Anh Nguyễn Giang Nam áp dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê để bón cho cây trồng. |
Ông Nguyễn Giang Nam (tổ dân phố 6) là người trồng cà phê lâu năm, hiện đang ủ 10 tấn vỏ trấu cà phê tại nhà làm phân bón vi sinh. Ông Nam cho biết, để có được phân bón vi sinh chất lượng cao, ông trộn men ủ và phân chuồng làm mồi với vỏ trấu cà phê. Trước khi ủ phải rải một lớp lá khô, rơm rạ xuống dưới cùng để lót; sau đó rải đều lên một lớp phân chuồng, nếu có thì rắc lên vài nắm cám gạo làm dinh dưỡng ban đầu cho vi sinh vật hoạt động, rồi tiếp tục rải vỏ trấu cà phê lên. Cứ lần lượt từng lớp như vậy cho đến khi hoàn thành thì đậy kín lại bằng ni lông và bạt.
Trong quá trình ủ, nên trộn đều các thành phần 1 lần/tháng. Thời gian ủ phải khoảng 3 tháng trở lên, khi đó phân đã hoai mục mới đem bón để tránh gây ra một số bệnh với cây trồng. Với diện tích 4 ha cà phê được sử dụng phân bón vi sinh bằng vỏ cà phê tự ủ, nhiều năm nay sản lượng cà phê của gia đình ông Nam vẫn đảm bảo ở mức 10 tấn/năm, ngoài ra còn tiết kiệm được một khoản chi phí lớn mua phân bón. Ông Nam chia sẻ, chỉ cần bỏ ra công lao động, ít tiền mua men sinh học, phân chuồng và vỏ cà phê là có thể sản xuất ra phân hữu cơ có chất lượng tốt nhưng giá thành chỉ bằng 30% so với giá phân cùng loại bán trên thị trường.
Vườn bơ nhà chị Trương Thị Điệp phát triển tốt nhờ bón phân vi sinh từ vỏ cà phê. |
Phân vi sinh bằng vỏ cây cà phê cũng được chứng minh rất tốt cho các cây trồng khác. Là một trong những hộ ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh nhiều năm nay, gia đình chị Trương Thị Điệp (tổ dân phố 6) đã dùng loại phân này để bón cho cây bơ, tiêu và sầu riêng cho kết quả cao. Kể từ năm 2012 đến nay, năm nào gia đình chị Điệp cũng ủ trung bình khoảng 7 tấn phân vi sinh từ vỏ cà phê. Ngoài vỏ cà phê, gia đình còn lấy thêm cùi bắp, vôi, phân urê về ủ với các chế phẩm sinh học tạo ra phân bón vi sinh để bón cho cả vườn cây trồng xen của gia đình.
Theo kinh nghiệm của chị, sau 1 - 4 tháng, khi kiểm tra thấy đống phân màu nâu đen, tơi xốp, thọc tay vào thấy ấm vừa tay là phân đã hoai mục, hoàn toàn có thể đem đi sử dụng. Phân ủ xong sử dụng tốt nhất trong vòng 1 năm. Cũng theo chị Điệp, đất được bón phân vi sinh từ vỏ cà phê rất tốt, giúp cải tạo đất nên trồng cây gì cũng đều có hiệu quả cao. Với cách làm đó, gia đình chị tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền mua phân bón cho cây cà phê và các loại cây ăn quả.
Theo ông Trần Văn Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thiện An, với năng suất cà phê bình quân 3 tấn/ha, hằng năm sản lượng cà phê của cả phường lên đến trên 1.000 tấn nhân. Lấy mức tỷ lệ nhân là 65%, mỗi năm có gần 400 tấn vỏ cà phê có thể sử dụng làm phân bón. Vỏ cà phê nếu bón trực tiếp thì khá lâu sau mới phân hủy và lượng chất hữu cơ thường không được bảo toàn. Nhưng nếu được xử lý bằng cách ủ theo quy trình thì sẽ giải quyết được hạn chế đó. Điều này rất có ý nghĩa đối với người sản xuất cà phê trong thời buổi giá cả các loại phân vô cơ đắt đỏ như hiện nay.
Băng Châu
Ý kiến bạn đọc