Multimedia Đọc Báo in

Ea Pil phát triển "nóng" diện tích cây ăn quả

09:16, 13/06/2019

Những năm gần đây, cây ăn quả đã mang lại nguồn thu nhập tăng cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác, trở thành cây trồng “đổi đời” cho hàng trăm hộ nông dân ở xã Ea Pil (huyện M’Đrắk). Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” diện tích cây ăn quả một cách tự phát, không theo quy hoạch tại đây đang tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Nhà nhà trồng cây ăn trái

Theo ông Vũ Văn Lương, Chủ tịch UBND xã, Ea Pil nằm ở phía đông bắc của huyện M’Đrắk, vốn là vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng, tầng đất canh tác mỏng nên rất kén chọn cây trồng. Năm 2010, một vài hộ dân bắt đầu thử nghiệm trồng cây ăn quả trên diện tích rải rác khoảng 2 ha, bước đầu mang lại thu nhập cao, được các thương lái tại chợ đầu mối, siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiêu thụ nhanh chóng.

Hiệu quả do cây ăn quả mang lại khiến diện tích các loại cây này ở Ea Pil tăng nhanh. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả tại Ea Pil đã tăng gấp 8 lần, riêng trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 4-2019 đã tăng gấp 2 lần. Đến nay, xã Ea Pil đã có 467 ha cây ăn quả, tăng hơn 222 ha so với cuối năm 2018; trong đó, có 356 ha nhãn (tăng trên 137 ha), 111 ha vải (tăng 35,5 ha). Điều đáng nói là chỉ có 23% trong tổng số 467 ha cây ăn quả hiện nay có trong diện tích quy hoạch.

Gia đình anh Nguyễn Hữu Thạch (thôn 9, xã Ea Pil) thu hoạch nhãn Hương Chi.  Ảnh: D. Tiến
Gia đình anh Nguyễn Hữu Thạch (thôn 9, xã Ea Pil) thu hoạch nhãn Hương Chi. Ảnh: D. Tiến

Phát triển “nóng” diện tích cây ăn trái ở xã Ea Pil thể hiện rất rõ khi “nhà nhà, vườn vườn trồng cây ăn trái”, dọc theo các tuyến đường liên thôn, liên xã, trên nhiều quả đồi trải dài là những vườn cây ăn quả năm thứ nhất, thứ hai đã xanh tốt hoặc vừa xuống giống. Gia đình anh Nguyễn Xuân Lương (thôn 10) vừa đầu tư gần 100 triệu đồng để chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng cây nhãn. Còn gia đình anh Trịnh Huy Nam (thôn 9) đang rất kỳ vọng vào một tương lai “vụ mùa bội thu” khi vườn nhãn đang ở năm thứ hai. Anh Trịnh Huy Nam chia sẻ: Mỗi héc-ta cây ăn quả nếu đạt năng suất có thể cho thu nhập gần 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí), hiệu quả kinh tế từ cây trồng này rất cao nên bà con đang đổ xô chuyển đổi trồng cây ăn quả.

Hệ lụy khi phát triển “nóng”

Thôn 2 có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai của xã Ea Pil với 87 ha, tăng 62 ha so với năm 2017. Con số này chắc chắn sẽ không ngừng tăng cao trong thời gian tới, bởi theo tính toán của người dân, lợi nhuận mang lại là khá lớn. Ông Nguyễn Hữu Trác (người dân thôn 2) lo ngại: Lợi nhuận trước mắt của từ cây ăn quả là không thể phủ nhận nên bà con đã phá bỏ nhiều cây trồng khác để trồng cây ăn quả. Thế nhưng, phát triển ồ ạt, chuyển đổi với tốc độ quá nhanh như hiện nay, bất chấp điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của từng hộ gia đình và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương là rất đáng lo ngại. Bài học nhãn tiền về phát triển các loại cây trồng không theo quy hoạch trên địa bàn huyện M’Đrắk vẫn còn: năm 2017 gần 300 ha hồ tiêu ở xã Ea Lai chết đồng loạt, khiến hàng trăm gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần cả tỷ đồng tiền đầu tư, phải bỏ quê ra thành phố làm công nhân; là những vườn cao su 5 năm tuổi không đạt năng suất hay mới đây nhất là hàng nghìn héc-ta mía ngoài quy hoạch bị thương lái ép giá...

Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh (thôn 4, xã Ea Pil) vừa chuyển đổi 1,8 ha đất trồng hoa màu sang trồng gần 1.000 cây ăn quả.
Gia đình ông Huỳnh Ngọc Thanh (thôn 4, xã Ea Pil) vừa chuyển đổi 1,8 ha đất trồng hoa màu sang trồng gần 1.000 cây ăn quả.

Theo tính toán, hiện nay chi phí đầu tư mỗi héc-ta cây ăn quả từ 40 – 60 triệu đồng, tùy theo loại cây mà giá bán mỗi cây giống từ 35.000 - 50.000 đồng (tăng 5.000 - 15.000 đồng/cây so với năm 2017) do nhu cầu cây giống tăng cao. Việc phát triển ồ ạt không chỉ rủi ro về thị trường, cung vượt cầu mà còn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh nhất là khi do nguồn giống không đảm bảo.

Ông Hoàng Biên Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Thương mại – dịch vụ nông nghiệp Trường Thịnh (huyện M'Đrắk) thông tin: Hiện nay, nguồn cây giống chủ yếu là người dân tự chiết ghép, nhân giống theo kinh nghiệm sản xuất, chưa được các nhà khoa học kiểm tra, giám định chất lượng. Nếu trồng cây giống không đảm bảo tiêu chuẩn có thể dẫn đến nguy cơ cây trồng đến giai đoạn thu hoạch không đạt năng suất, thời gian thu hoạch chỉ được vài ba năm đầu trong khi quá trình đầu tư lâu dài trước đó rất tốn kém, hay phát sinh các loại sâu bệnh do cây giống chưa được nghiên cứu, xử lý mầm bệnh...

Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm soát quy hoạch hiện nay rất khó, bởi quy mô sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Nông dân còn nặng tâm lý chạy theo lợi nhuận, thấy sản phẩm bán chạy lại đua nhau trồng. Trong khi đó, diện tích cây ăn quả trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế còn hạn chế.

Thiết nghĩ, để kiểm soát tình trạng phát triển diện tích cây ăn quả ồ ạt, không theo quy hoạch như hiện nay, rất cần sự vào cuộc kịp thời và sâu sát hơn nữa của chính quyền địa phương khuyến cáo kịp thời nông dân sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, không phát triển ồ ạt khiến diện tích phát triển quá mức. Đối với những diện tích hiện nay, địa phương cần có định hướng, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, khuyến cáo bà con chú trọng đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng gắn với liên kết trong sản xuất, tránh những cuộc "giải cứu" trái cây có thể xảy ra trong tương lai.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M’Đrắk khuyến cáo: Để chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả, người dân phải đặc biệt chú ý điều kiện thổ nhưỡng (đất, nguồn nước), ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc cây trồng, lựa chọn giống và phối hợp với ngành chức năng để chuyển đổi phù hợp với từng tiểu vùng.

Ninh Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.