Huyện Ea Kar: Huy động hệ thống chính trị tham gia phòng chống dịch tả heo châu Phi
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi trong cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng, huyện Ea Kar đã không để cơ quan chuyên môn một mình “đứng mũi chịu sào” mà huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc phòng, chống dịch để bảo vệ đàn heo của người dân.
Theo Phòng NN-PTNT huyện, tổng đàn heo của huyện Ea Kar hiện nay là 128.440 con, chủ yếu nuôi quy mô gia trại và trang trại (91 trang trại với hơn 40.000 con heo, chiếm 33% tổng đàn). Sản lượng thịt heo của huyện phần lớn xuất bán đi các tỉnh khác và giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng giá trị ngành Chăn nuôi.
Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn heo được huyện đặc biệt quan tâm, nhất là trong tình hình dịch tả heo châu Phi đang hoành hành như hiện nay. Ông Hoàng Công Nhiên, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar cho biết, công tác phòng dịch được huyện thực hiện ráo riết trước khi dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn Đắk Lắk.
Huyện đã triển khai đầy đủ các nhiệm vụ cho hoạt động phòng dịch, trong đó đáng chú ý là tổ chức hội nghị phân công nhiệm vụ cụ thể cho tất cả các ban, ngành, đoàn thể và địa phương; chỉ đạo 16/16 xã, thị trấn tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống bệnh dịch cho đàn vật nuôi. Theo đó, các ban, ngành đã phối hợp rất tốt với cơ quan chuyên môn của huyện trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chủ động phòng dịch, bảo vệ đàn vật nuôi.
Lãnh đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ea Kar kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh tại một trang trại ở xã Ea Kmút. |
Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cho 16/16 xã, thị trấn; phát 3.300 bộ tài liệu kỹ thuật cho các trang trại, hộ chăn nuôi, các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của dịch bệnh và cách phòng, chống bệnh. Đặc biệt, các thôn, buôn vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện "5 không" khi phát hiện có dịch (không giấu dịch; không buôn bán vận chuyển heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt làm thức ăn cho heo); áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng vôi bột, hóa chất.
Huyện cũng đã trích 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để mua hóa chất, vật tư cấp cho 16 xã, thị trấn phun tại nơi công cộng, khu vực chợ bán gia súc, gia cầm, khu dân cư có nguy cơ cao, bãi rác… Các trang trại và nông hộ cũng thường xuyên phun hóa chất kết hợp với rắc vôi để phòng chống dịch theo quy trình hướng dẫn của ngành Thú y. UBND huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác theo dõi, kiểm soát đàn vật nuôi trên địa bàn, hướng dẫn người dân các biện pháp phát hiện dấu hiệu vật nuôi bị bệnh dịch, kịp thời khai báo với chính quyền địa phương khi có gia súc, gia cầm nghi ngờ mắc bệnh để kiểm tra, xác định nguyên nhân và xử lý theo quy định. Trạm Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào huyện.
Lực lượng chức năng huyện Ea Kar phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại khu vực chợ. |
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương nên người chăn nuôi trên địa bàn huyện Ea Kar đều nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe đàn heo và chủ động phòng bệnh. Chị Phạm Thị Vân (thôn 7, xã Cư Ni) chia sẻ, gia đình chị nuôi từ gần 70 con heo thịt, từ khi có thông tin về dịch tả heo châu Phi, các hộ chăn nuôi đều được cán bộ thôn, xã phổ biến, hướng dẫn cách phòng bệnh cho đàn heo. Vì vậy, gia đình thực hiện rất nghiêm túc, thường xuyên phun thuốc, rắc vôi để tiêu độc khử trùng, không cho người lạ vào khu chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, người vào chăm heo cũng phải vệ sinh sạch sẽ trước khi vào chuồng trại.
Theo ông Trần Trung Kiên, cán bộ thú y xã Cư Ni, trên địa bàn xã hiện có khoảng 13.000 con heo, trong đó heo nái chiếm khoảng 10%, heo thịt 65%, còn lại là heo con. Để phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, ngoài công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, lực lượng thú y xã tăng cường công tác kiểm soát giết mổ tại 7 điểm giết mổ trên địa bàn xã nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn heo bị nhiễm bệnh xâm nhập vào địa bàn gây lây lan dịch bệnh cho đàn heo của xã.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Ea Kar cho biết, sau khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh, huyện Ea Kar đã tổ chức họp khẩn cấp với các cơ quan chuyên môn, địa phương, chủ cửa hàng dịch vụ và cung ứng thuốc thú y nhằm chuẩn bị lực lượng, phương tiện, kinh phí sẵn sàng ứng phó, khoanh vùng nếu dịch xảy ra. Đồng thời, tập trung cao độ cho công tác truyền thông và vận động người dân chủ động phun hóa chất tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Đến thời điểm này các xã, thị trấn thực hiện rất tốt công tác phòng dịch, nhất là việc hỗ trợ, phối hợp cán bộ thú y cơ sở thực hiện công tác chuyên môn về thống kê đàn heo, vận động, hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ và gia trại các biện pháp phòng dịch; các cơ quan như Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Văn hóa - Thông tin liên tục phát sóng, truyền thanh trên loa đài thông tin về dịch tả heo châu Phi để người dân nắm bắt tình hình...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của huyện cho biết, nếu trường hợp Ea Kar xảy ra dịch, huyện sẽ triển khai theo phương án như: thành lập 3 chốt chặn ở Quốc lộ 26, 29 và tỉnh lộ 3; vận động người dân (chủ yếu là các cửa hàng thuốc thú y, đại lý cám) mua khoảng 300 tấn vôi bột để hỗ trợ người dân phòng dịch; thành lập các đội lưu động để kiểm soát vận chuyển heo ra, vào trên địa bàn... |
Minh Thuận - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc