Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp với nông sản địa phương

09:33, 12/06/2019

Từ những nông sản quen thuộc, nhiều chị em phụ nữ các địa phương đã sản xuất ra những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường...

Ưu tiên nguyên liệu an toàn

Gia đình bà Đặng Thị Mai (SN 1972) ở thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo) có 2 ha đất rẫy trồng nhiều loại cây lâu năm như bơ, sầu riêng xen chanh, sả, tỏi… Bà thường sử dụng một số nông sản như tỏi, sả, thu hoạch được ép làm tinh dầu để dùng trong gia đình. Sau nhiều năm sử dụng thấy có hiệu quả, năm 2018, bà mạnh dạn sản xuất số lượng lớn các loại tinh dầu và sử dụng mạng xã hội facebook để giới thiệu bán hàng.

Bà Đặng Thị Mai giới thiệu sản phẩm tinh dầu tỏi cho người dân tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2019.
Bà Đặng Thị Mai giới thiệu sản phẩm tinh dầu tỏi cho người dân tại Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo năm 2019.

Thời gian đầu, bà Mai chỉ sử dụng các nguyên liệu thu được trong rẫy và chế biến thủ công nên sản phẩm làm ra chưa nhiều. Dần dần, các sản phẩm của bà được nhiều người biết đến, tin tưởng đặt mua số lượng lớn nên bà mở rộng quy mô sản suất, thu mua nguyên liệu của người dân trong vùng và đầu tư công nghệ máy ép tinh dầu mới.

Nắm bắt nhu cầu giảm cân của nhiều chị em phụ nữ, bà Mai sản xuất thêm các loại trà detox (thanh long, chanh, dứa, sả, đậu đen… sấy khô), trà mãng cầu, chuối sấy... Sau 6 tháng tung ra thị trường trà detox, trà mãng cầu, chuối sấy được rất nhiều người quan tâm sử dụng. Trung bình mỗi tháng bà xuất bán được hơn 1 tấn chuối sấy và rất nhiều loại trà detox hỗ trợ giảm cân… Sau khi trừ tất cả các chi phí, trung bình mỗi tháng bà Mai thu lãi hơn 10 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 – 6 chị em phụ nữ tại địa phương.

Bà Mai chia sẻ: "Trên thị trường hiện có rất đa dạng các sản phẩm tinh dầu, trà detox… chính vì vậy, để cạnh tranh, tôi luôn sử dụng nguồn nguyên liệu an toàn, có nguồn gốc rõ ràng; sản phẩm trước khi đưa ra thị trường đều được gia đình dùng thử. Nhờ vậy, uy tín ngày càng được nâng cao, các sản phẩm làm ra được phân phối không chỉ trong tỉnh mà còn mở rộng ra nhiều thị trường ở Nha Trang, Hà Nội…

Làm giàu từ tinh bột nghệ

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng tinh bột nghệ hằng ngày, chị Ngô Thị Thân (SN 1992, phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) đã mua nghệ tươi về sản xuất thủ công, quy mô hộ gia đình vừa phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa bán để kiếm thêm thu nhập. Thấy quy trình sản xuất khá đơn giản, khách hàng ngày một đông, trong khi nguồn nguyên liệu tại địa phương lại rẻ, dồi dào, giữa năm 2018 chị Thân mạnh dạn thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh tinh bột Ngô Thân.

Quyết tâm làm lâu dài, chị mạnh dạn đầu tư 550 triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị cần thiết như máy móc, phòng lạnh để bảo quản… Chị Thân cho hay, phương pháp phơi khô, sấy nóng thông thường không mất nhiều thời gian nhưng màu nghệ không đẹp, độ ẩm không đều, dễ bị hỏng. Việc đầu tư phòng sấy lạnh giúp nghệ đẹp, mịn và bảo quản được lâu hơn.

Phòng sấy lạnh tinh bột nghệ của chị Ngô Thị Thân.
Phòng sấy lạnh tinh bột nghệ của chị Ngô Thị Thân.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị Thân đã liên kết sản xuất với 20 hộ dân tại xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ) với tổng diện tích gần 6 ha. Đến mùa thu hoạch, chị thuê nhân công vào tận nơi thu mua với giá dao động từ 3.500 – 4.500 đồng/kg, luôn cao hơn thị trường 500 đồng/kg. Sản phẩm được chị Thân bỏ mối cho các đại lý với giá từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Hiện nay, tinh bột nghệ Ngô Thân không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh lân cận. Gần đây, chị Thân còn nhận được nhiều lời mời mang sản phẩm đến giới thiệu ở các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh… Dù còn khá non trẻ nhưng với sự đầu tư bài bản, quan tâm đến chất lượng nên sản phẩm tinh bột nghệ Ngô Thân đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.