Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực kiểm soát chất lượng sản phẩm chăm sóc sức khỏe

08:17, 24/06/2019

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền”, thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đã quyết liệt thực hiện các biện pháp quản lý, ổn định thị trường để giảm tối đa thiệt hại, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chỉ tính riêng từ tháng 4-2019 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cả 4/4 cơ sở vi phạm. Trong đó, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở, với số tiền gần 50 triệu đồng, tịch thu trên 1.000 kg dược liệu đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ; 2 cơ sở còn lại đang chờ điều tra, xác minh, xử lý. Cụ thể, ngày 16-6, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 của tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng này ở TP. Buôn Ma Thuột. Tại cửa hàng bán đồ mỹ nghệ số 3 Hai Bà Trưng, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này đang bày bán khoảng 30 kg thuốc Amakong đã được sơ chế, đóng gói có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu bài thuốc gia truyền Amakong đã được pháp luật bảo hộ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc bày bán thuốc dược liệu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc bày bán thuốc dược liệu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, cơ sở này cũng đang bày bán 158 gói (chủ yếu là loại 1 kg/gói) chuối hột, chè vằng, chè dây cao bằng... trên bao bì không ghi nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ nơi sản xuất hàng hóa. Đối với cơ sở số 20 đường Phan Bội Châu, Đoàn kiểm tra đã phát hiện và thu giữ 32 thang thuốc Amakong đã được đóng gói thành phẩm thành các túi loại lớn, các sản phẩm này cũng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu như trên. Tại thời điểm kiểm tra, hai chủ cơ sở nêu trên đều không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ gì để chứng minh về chất lượng, nhãn hiệu, hình ảnh, hàng hóa, nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa này. Đoàn đã tạm giữ toàn bộ số dược liệu và mời chủ cơ sở lên làm việc để tiếp tục xác minh, xử lý.

Trong năm 2018, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và tịch thu 2.400 thùng thuốc tân dược, hơn 3.500 món hóa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, mặc dù đã nỗ lực kiểm soát đối với nhóm hàng này, nhưng tình hình gian lận trong sản xuất, kinh doanh vẫn đang diễn ra ngày một phức tạp, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã dùng phương thức kinh doanh trên mạng Internet thông qua các trang web và mạng xã hội như Facebook, Zalo… với việc giao hàng tại nhà, giao hàng tận nơi, rất khó để phát hiện, kiểm tra xử lý. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng và đề cao cảnh giác khi lựa chọn mua các sản phẩm qua hình thức này.

Thuốc Amakong có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được cơ quan chức năng tạm giữ, làm rõ.
Thuốc Amakong có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được cơ quan chức năng tạm giữ, làm rõ.

Trên thực tế, về phía cơ quan quản lý, những loại dược liệu, bốc thuốc thang được bày bán như hiện nay rất khó kiểm soát chất lượng và không biết chắc chắn có an toàn cho sức khỏe người sử dụng hay không. Thêm vào đó, nhiều loại được bày bán, trên bao bì chỉ quảng cáo các thành phần dược liệu có trong thang thuốc để hấp dẫn người mua chứ không hề ghi rõ địa chỉ, nơi sản xuất. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm trên nếu chẳng may ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng thì cũng chẳng biết kêu ai.

Để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm góp phần chấn chỉnh tình trạng này. Còn về phía người tiêu dùng, do đây là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe nên cũng rất cần thận trọng, tìm hiểu kỹ thông tin, thành phần cũng như thương hiệu, địa chỉ uy tín để chọn mua sản phẩm khi cần.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.