Multimedia Đọc Báo in

Bí đỏ mất mùa, nông dân Dliê Yang "ôm" nợ

08:55, 18/07/2019

Nhiều năm nay, bí đỏ là loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ dân xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, vụ mùa năm nay bí đỏ mất mùa thê thảm, nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần.

Thời điểm này hằng năm, người dân trên địa bàn xã Dliê Yang đang bận rộn, hối hả thu hoạch bí đỏ để kịp cho thương lái thu mua thì năm nay người trồng lại “nhàn hạ” vì bí không có quả để thu hoạch.

Năm 2011, gia đình anh Bàn Tiến Ly (thôn Tri C3) lựa chọn trồng giống bí đỏ hai mũi tên đỏ trên diện tích 2 ha đất. Sau nhiều năm trồng bí, nhận thấy nguồn thu nhập cao từ loại cây này và giá cả thị trường tương đối ổn định, anh tiếp tục thuê thêm 2 ha đất tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) để trồng bí. Anh đầu tư gieo trồng và chăm sóc rất kỹ lưỡng, mọi năm đều cho năng suất từ 7 - 10 tấn quả/ha, với giá bán từ 5 - 8 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, vụ mùa năm nay thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng đến năng suất của cây bí. 4 ha trồng bí đỏ của gia đình chỉ thu được 6 tấn quả, với giá bán 10 nghìn đồng/kg (quả to) và 3 nghìn đồng/kg (quả nhỏ), anh chỉ thu được hơn 30 triệu đồng. Số tiền thu được chỉ đủ trả tiền phân bón, còn tiền thuê đất (6 triệu đồng/ha/năm), mua giống cây, nhân công… thì gia đình chịu thua lỗ. Anh Ly cho biết, năm nay mặc dù đầu mùa giá bí lên đến 17,5 nghìn đồng/kg, nhưng người dân lại không có sản phẩm để bán, gia đình anh còn vớt vát lại được ít vốn, còn nhiều hộ khác gần như không thu được gì.

Ông Phạm Trí An (thôn Tri C1) đang xạc dây bí để trồng ngô.
Ông Phạm Trí An (thôn Tri C1) đang xạc dây bí để trồng ngô.

Cùng chung cảnh mất mùa bí đỏ, gia đình ông Lê Minh Phong (thôn 1) có 2 ha đất trồng cà phê xen tiêu. Do cà phê mới được trồng lại, nên đầu năm nay, ông đầu tư trồng xen thêm bí đỏ hai mũi tên đỏ để có thêm thu nhập. Nhưng thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài, gia đình ông phải kéo béc tưới bí thường xuyên, nhờ vậy mà vườn bí đỏ của gia đình ông xanh tốt, hy vọng một mùa bội thu, nhưng đến thời điểm ra hoa, cây chủ yếu cho ra hoa đực không có quả. 2 ha bí đỏ của gia đình chỉ được 5 – 6 quả, vụ bí coi như mất trắng. Gia đình ông thua lỗ gần 50 triệu đồng tiền mua phân bón, giống cây, tiền điện tưới…

Chị Phan Thị Thủy, thương lái thu mua trên địa bàn huyện Ea H’leo và nhiều huyện lân cận cho biết, trung bình hằng năm chị thu mua 2 - 3 nghìn tấn bí, chủ yếu cung cấp cho các chợ ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên năm nay do nhiều khu vực mất mùa nên sản lượng thu mua không đáng kể.

Địa điểm thu mua bí đỏ trên địa bàn xã cũng vắng người hơn mọi năm.
Địa điểm thu mua bí đỏ trên địa bàn xã cũng vắng người hơn mọi năm.

Toàn xã Dliê Yang có diện tích trồng bí đỏ gần 200 ha, tập trung ở thôn Tri C3 và thôn 1, chủ yếu là giống bí đỏ hai mũi tên đỏ. Đây là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc và là cây trồng đem lại thu nhập cao cho người dân nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dliê Yang, năm nay thời tiết không thuận lợi, dẫn đến bí đỏ trong xã hầu như mất trắng, nhiều hộ thua lỗ, đặc biệt là các hộ phải thuê đất để trồng. Hội Nông dân xã đang khảo sát, đánh giá tình hình để kiến nghị với cấp trên có hướng hỗ trợ người dân.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.