Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững ở thị xã Buôn Hồ: Hiệu quả từ những chính sách tín dụng ưu đãi

09:22, 12/07/2019

Thực hiện chính sách về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, trong những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đây là nguồn động lực, khuyến khích các hộ nghèo chủ động phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Y Thư Niê ở buôn Tung Krắk (xã Ea Đrông) trước đây là hộ nghèo. Không có đất sản xuất nên anh chỉ biết đi làm thuê, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2018, gia đình anh được bình xét làm nhà theo Chương trình 167 (giai đoạn 2). Từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) 25 triệu đồng cùng nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương, cộng đồng giúp đỡ, gia đình anh đã làm được căn nhà trị giá 50 triệu đồng. Có chỗ an cư, gia đình anh yên tâm lao động sản xuất. Vợ anh là chị H’Oanh Bkrông được Chi hội phụ nữ xã hỗ trợ 3 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để mở một quán tạp hóa nhỏ. Cuối năm 2018, gia đình anh Y Thư đã vươn lên thoát nghèo.

Còn gia đình ông Y Blô Niê ở buôn Klát B (xã Ea Đrông) mặc dù có 1 ha cà phê nhưng do đông con nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, ông được Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp vay vốn từ NHCSXH 20 triệu đồng mua bò giống sinh sản và đầu tư chăm sóc cà phê. Sau 3 năm, ông đã trả hết nợ cho ngân hàng và vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, gia đình ông tiếp tục được NHCSXH hỗ trợ vay vốn thuộc diện hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với tổng số tiền 40 triệu đồng. Ông Y Blô tiếp tục chăn nuôi và tập trung đầu tư sản xuất, trồng xen tiêu và cây ăn quả trong vườn cà phê, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế với thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Đường liên xã Ea Đrông đi Ea Hồ (huyện Krông Năng) đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng.
Đường liên xã Ea Đrông đi Ea Hồ (huyện Krông Năng) đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng.

Anh Y Loang Niê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Đrông cho biết, đến nay, tổng dư nợ tổ chức hội nhận ủy thác cho hội viên và người dân vay khoảng 30,8 tỷ đồng với 850 hộ. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng doanh số cho vay đạt 8 tỷ đồng cho khoảng 200 hội viên vay, bình quân 40 triệu đồng/hộ. Từ nguồn vốn này, người dân đã phát triển chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Theo ông Hà Quốc Dũng, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh thị xã Buôn Hồ, để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân, những năm qua, NHCSXH Chi nhánh thị xã Buôn Hồ đã phối hợp tốt với các hội đoàn thể và các tổ, nhóm giao dịch tại cơ sở trong hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn. Tổng doanh số cho vay năm 2018 đạt 87,281 tỷ đồng, số hộ được vay 2.859 hộ; tổng dư nợ 214,252 tỷ đồng với 6.908 hộ, tăng 11,696 tỷ đồng so với thực hiện năm 2017.

Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo đạt doanh số 11,565 tỷ đồng, dư nợ 42,168 tỷ đồng với 1.148 hộ; chương trình cho vay hộ cận nghèo đạt doanh số 16,390 tỷ đồng, tổng dư nợ 22,222 tỷ đồng với 1.114 hộ; chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo (theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, ngày 21-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ) đạt doanh số 23,103 tỷ đồng, dư nợ 35,675 tỷ đồng với 922 hộ; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Chương trình 167 đạt doanh số 259 triệu đồng, dư nợ 2,323 tỷ đồng với 292 hộ; chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg đạt doanh số 1,15 tỷ đồng, dư nợ 2,475 tỷ đồng với 99 hộ…

Gia đình ông Y Blô Niê ở buôn KLát B (xã Ea Đrông) phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay của NHCSXH.
Gia đình ông Y Blô Niê ở buôn KLát B (xã Ea Đrông) phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay của NHCSXH.

Riêng trong 6 tháng năm 2019, doanh số cho vay toàn thị xã đạt gần 50 tỷ đồng với 1.444 lượt vay vốn, tổng dư nợ đến hết tháng 6-2019 đạt 224 tỷ đồng với 6.865 hộ. Trong đó, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo trên 35,6 tỷ đồng; dư nợ hộ cận nghèo 44 tỷ đồng… Phần lớn các hộ vay đã sử dụng vốn vay có hiệu quả, nhiều hộ đã biết kết hợp nguồn vốn tín dụng ưu đãi của ngân hàng với các nguồn hỗ trợ khác của Nhà nước để phát triển chăn nuôi, sản xuất vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ông Lê Bá Hiếu, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Buôn Hồ khẳng định: Với việc thực hiện đồng bộ các chương trình chính sách, công tác giảm nghèo trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã đạt nhiều thành tựu. Trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của thị xã giảm 1,3%, đến nay còn 3,76%. Để phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, thị xã đang tiếp tục tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm, xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, thị xã cũng lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn, buôn khó khăn...

Nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo

Trong 6 tháng năm 2019, thị xã Buôn Hồ đã tạo việc làm cho 864 lao động, mở 5 lớp đào tạo nghề với 175 học viên; cấp 13.991 thẻ BHYT người nghèo và cận nghèo và người dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho 817 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với kinh phí hơn 240 triệu đồng; xây dựng 38 nhà theo Chương trình 167 giai đoạn 2. Ngoài ra, thị xã còn triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình để giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019 cho 4 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc xã Ea Đrông với tổng kinh phí 234 triệu đồng…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.