Multimedia Đọc Báo in

Khi người dân tham gia làm du lịch cộng đồng

08:52, 22/07/2019

Tìm về với thiên nhiên hoang sơ, nhất là ở những buôn làng của người dân tộc thiểu số tại chỗ để trải nghiệm, khám phá những gì có được trong không gian thân thiện là xu thế phát triển du lịch hiện nay. Nắm bắt được xu thế đó, không ít doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã nhanh chóng hình thành nên nhiều khu, điểm du lịch văn hóa – sinh thái –  cộng đồng nhằm phục vụ du khách.

Theo ông Đoàn Văn Thống, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột, đến nay có khoảng 5 – 6  khu, điểm du lịch nói trên được đầu tư, khai thác có hiệu quả và ngày càng khẳng định được hình ảnh của mình trên bản đồ du lịch Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.

Tiêu biểu như Khu du lịch văn hóa – sinh thái – cộng đồng Kô Tam (phường Tân Hòa), Khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn, buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), Đồi Thông (xã Hòa Thắng), hay gần đây nhất là Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Suối Ong (phường Khánh Xuân), Du lịch Nông nghiệp Cà phê – Ca cao G20 (xã Ea Tu)… lần lượt được đưa vào khai thác, phục vụ du khách theo tinh thần bắt tay, hợp tác với cư dân tại chỗ để “đôi bên cùng có lợi” đã ngày càng thu hút nhiều người tìm đến.

Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) để thu hút khách du lịch. Ảnh: H.Gia
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) để thu hút khách du lịch. Ảnh: H.Gia

Điều đáng nói ở đây là loại hình du lịch này không những đóng góp đáng kể vào nguồn ngân sách địa phương hằng năm, mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Theo thống kê sơ bộ, hiện có khoảng 800 – 1.000 lao động tham gia trực tiếp và gián tiếp vào lĩnh vực này với thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch văn hóa – sinh thái – cộng đồng Kô Tam cho biết, đó là thu nhập “cứng”, còn phần “mềm” đính kèm cho người lao động tại những khu, điểm du lịch kia là có cơ hội, điều kiện giới thiệu và quảng bá vốn văn hóa truyền thống của mình đến với du khách, đồng thời khi du khách có nhu cầu mua sắm (nhạc cụ tre trúc, thổ cẩm, thưởng lãm văn hóa cồng chiêng và homestay trong ngôi nhà dài ở buôn làng) thì họ là người cung cấp dịch vụ, hàng hóa để vừa trang trải cuộc sống, vừa gìn giữ và bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Mỗi năm những khu, điểm du lịch văn hóa – sinh thái và cộng đồng ở đây đón từ 40.000 – 45.000 lượt khách. Chính quyền TP. Buôn Ma Thuột đặc biệt ưu tiên phát triển loại hình du lịch trên để giải quyết việc làm cho người dân, đồng thời bảo đảm ngành kinh tế quan trọng này có vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế của địa phương với doanh thu khoảng 600 tỷ đồng/năm. (Báo cáo của Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Buôn Ma Thuột). 

Tiềm năng, thế mạnh này đang được Hội đồng quản trị Khu du lịch tính đến việc liên kết và mở rộng ra các buôn Kô Tam, Kmrơng Prông A, B và Ea Nao B trong thời gian tới với sự tham gia của chính cộng đồng người tại chỗ. Bởi theo bà Ngọc Anh, đó  là hướng đi bền vững và hiệu quả nhất trước xu thế phát triển du lịch hiện nay; đồng thời cũng phù hợp với chính sách, chủ trương của chính quyền thành phố cũng như của UBND tỉnh là chú trọng đầu tư, phát triển dịch vụ nông nghiệp, thương mại, du lịch trong các buôn làng; khôi phục làng nghề gắn với việc hình thành các tour du lịch văn hóa – sinh thái ở những nơi có điều kiện. Trên cơ sở đó nhằm liên kết, hợp tác giữa các vùng du lịch trọng điểm trong và ngoài tỉnh để thiết lập không gian cho ngành kinh tế này một cách đồng bộ, thống nhất về sản phẩm, nguồn nhân lực cũng như công tác quảng bá và xúc tiến du lịch theo định hướng bảo đảm về môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc ở đây.

Khách quốc tế đến trải nghiệm tại buôn Akô Dhông.
Khách quốc tế đến trải nghiệm tại buôn Akô Dhông.

Có thể nói du lịch văn hóa – sinh thái ở TP. Buôn Ma Thuột, từ xu thế đã trở thành vị thế số một để các nhà đầu tư và cộng đồng lựa chọn nhờ những yếu tố đặc thù trên. Tại buôn Akô Dhông, đã có hàng chục hộ đứng ra tổ chức hoạt động du lịch văn hóa – sinh thái từ hai năm qua và điểm đến này hiện đang được du khách, nhất là khách quốc tế ưu tiên đặt tour khi đến Buôn Ma Thuột. Lý giải điều này, Trưởng buôn Y Wol Êban cho rằng, dù chưa phải là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (với tên gọi cụ thể, người điều hành cụ thể) mọi hoạt động như nhiều khu, điểm du lịch khác, nhưng cả cộng đồng người Êđê trong buôn đã biết làm thế nào để hút khách. Rất đơn giản, họ ngầm phân công và kết hợp với nhau để xây dựng sản phẩm du lịch tại chỗ, cũng như biết cách gia tăng chuỗi giá trị cho ngành hàng này một cách linh hoạt.

Đến buôn Akô Dhông, ghé vào điểm Cà phê sinh thái Arul sẽ thấy chuỗi  giá trị sản phẩm du lịch ở đây được bà con tổ chức bài bản thế nào. Sau khi phục vụ cà phê cho khách, nhân viên trong quán trò chuyện, giới thiệu cho đối tác một số đặc sản của gia đình mình – từ thổ cẩm, rượu cần, hàng thủ công mỹ nghệ… cho đến việc thiết kế chương trình diễn tấu cồng chiêng, hay dân ca, dân vũ đến trải nghiệm và khám phá văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Êđê một khi khách hàng có nhu cầu. Cái hay ở chỗ là mỗi gia đình ở đây đảm đương mỗi việc, không trùng lặp để tạo nên “một tập hợp” sản phẩm du lịch cộng đồng đúng nghĩa và sinh động. Tất nhiên, nói như Trưởng buôn Y Wol – lợi nhuận được chia đều, ai cũng có phần và cứ thế bà con có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động du lịch ngay trong cộng đồng của mình, chứ không nhất thiết phải có chương trình hay dự án to tát nào.

                          Phương Đình

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.