Multimedia Đọc Báo in

Biến phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn chăn nuôi

09:54, 17/08/2019

Tận dụng phế phẩm nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1961, xã Ea Tyh, huyện Ea Kar) đã chế biến thành thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc.

Ông Đức hiện là Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Quyết Thắng. Ngành nghề chính của công ty là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, nhưng do làm ăn khó khăn nên năm 2004, công ty kinh doanh thêm nghề mua bán nông sản, song cũng không khá hơn là bao. Trong lúc công ty đang trên bờ phá sản, ông Đức (lúc ấy đang là nhân viên) đã tìm ra hướng đi mới là tái chế phế phẩm nông nghiệp.

Từng thành công trong việc tái sử dụng bã bia làm thức ăn cho heo vào năm 2006, ông Đức tiếp tục nghiên cứu bã mía. Ý tưởng này nhen nhóm trong lần ông xuống Long An (năm 2011) thấy người dân ủ bã mía làm thức ăn cho bò. Ngẫm địa phương mình có Nhà máy đường 333, mỗi năm thải ra một lượng lớn bã mía bỏ đi rất phí, ông về trình bày phương án thu mua, chế biến phế phẩm và được công ty đồng ý, nhưng ngặt nỗi không có vốn.

Cùng ban lãnh đạo gom tiền thử sức với lĩnh vực mới, ông Đức được giao giữ chức Phó Giám đốc phụ trách mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Khởi đầu vốn ít, công ty chủ yếu thuê xe đi gom bã mía về phơi khô rồi bán cho đối tác. Năm 2014, ông Đức mạnh dạn đầu tư máy móc thực hiện công đoạn chế biến sâu: Bã mía sau khi mua về sẽ đổ đống để trong kho kín suốt 1 năm. Theo thời gian bã mía lên men tự nhiên, phân hủy cho mùi thơm, vị ngọt như mật; bã mía đã hoai mục được sấy khô, ép thành miếng vuông hoặc viên nén làm thức ăn cho gia súc.

Ông Nguyễn Văn Đức giới thiệu sản phẩm viên nén được chế biến từ bã mía.
Ông Nguyễn Văn Đức giới thiệu sản phẩm viên nén được chế biến từ bã mía.
 
“Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, công ty đã mua 3 nghìn tấn cây bắp tương ứng số tiền hơn 3 tỷ đồng; 5 nghìn tấn bã mía tương đương hơn 2 tỷ đồng. Hiện các sản phẩm viên nén, phế phẩm lên men đang được nhiều doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt đặt mua với số lượng lớn”.
 
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Quyết Thắng thông tin thêm

Để tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư, ông Đức tìm tòi nghiên cứu, mua vật liệu về chế tạo thành máy ép bã mía. Từ khi lấn sân sang lĩnh vực thu mua, chế biến phế phẩm nông sản sau thu hoạch, công ty đã thoát khỏi cảnh nợ nần, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Có đối tác là các doanh nghiệp kinh doanh về chăn nuôi, buôn bán, chế biến thức ăn gia súc như Công ty Cổ phần chăn nuôi bò thịt – Bò sữa Cao Nguyên, Công ty Cổ phần chăn nuôi Gia Lai, Công ty TNHH Kim Nghĩa... nên ông Đức không quá lo lắng về đầu ra sản phẩm. Song song với việc tái chế bã mía, công ty còn thu mua cây bắp về cắt nhỏ, ủ chua bán cho các trang trại nuôi bò.

Thời gian đầu việc thu mua cây bắp gặp nhiều khó khăn bởi người dân đã quen với việc trồng bắp lấy hạt. Khi đặt vấn đề mua cây bắp còn tươi xanh và nguyên cả trái non thì không ít người hoài nghi, ông Đức phải giải thích cặn kẽ, nêu rõ địa chỉ nhà máy... người dân mới tin.

Kiên trì hơn 1 năm, công ty đã có nguồn nguyên liệu ổn định. Cây bắp còn nguyên trái sau khi mua về đưa vào máy cắt nhỏ từ 3 - 5 cm, đóng bao, hút chân không nhằm giữ độ tươi xanh và để được thời gian dài mà không bị hỏng mốc. Giá thu mua cây bắp tại ruộng dao động theo mùa. Mùa khô có giá 800 - 900 đồng/kg, còn mùa mưa là 500 - 600 đồng/kg. Ông Đức chia sẻ, chi phí đầu tư, chăm sóc bắp bán cây thấp, thời gian thu hoạch cũng được rút ngắn từ 15 - 20 ngày. Điều người dân thích nhất là họ không phải tốn nhân công thu hoạch và dọn rẫy vì người của công ty sẽ tự làm tất cả. Giá bán cả cây bắp luôn ổn định, lợi nhuận thu về cao hơn 500 nghìn đồng/sào so với trồng bắp lấy hạt.

Cây bắp tươi nguyên trái được cắt nhỏ, ủ men làm thức ăn cho bò.
Cây bắp tươi nguyên trái được cắt nhỏ, ủ men làm thức ăn cho bò.

Từ chỗ các phế phẩm nông nghiệp bị bỏ đi, hoặc bị đốt sau khi thu hoạch đã được Công ty cổ phần Xây dựng Quyết Thắng mua làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi năm, công ty thu mua hàng nghìn tấn phế phẩm nông nghiệp. Việc tái chế phế phẩm nông nghiệp vừa giúp người dân tăng thêm thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường...

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.