Multimedia Đọc Báo in

Cải tạo vườn tạp, trao sinh kế cho người nghèo ở buôn Hằng C

09:05, 21/08/2019

Với mong muốn giúp người nghèo ở buôn Hằng C thoát nghèo theo hướng bền vững, UBND xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đang triển khai Chương trình cải tạo vườn tạp cho người nghèo trên địa bàn.

Theo đó, địa phương hỗ trợ các hộ dân cải tạo vườn tạp bằng cách nhổ bỏ những loại cây trồng kém hiệu quả trên vườn, làm đất kỹ để trồng cây ăn trái gồm mãng cầu thái và dứa; hỗ trợ bê giống; đào 2 giếng khoan phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho 10 hộ. Ông Tum (dân tộc Xê Đăng) phấn khởi cho biết, gia đình ông có 9 người, nhưng chỉ có 1 sào đất rẫy nên nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào công việc làm thuê, làm mướn hằng ngày, rất bấp bênh.

Ông Tum chăm sóc con bê được hỗ trợ từ Chương trình cải tạo vườn tạp cho người nghèo.
Ông Tum chăm sóc con bê được hỗ trợ từ Chương trình cải tạo vườn tạp cho người nghèo.

Vì vậy, các thành viên phải chia nhau lên rừng hái măng, xuống suối bắt ốc bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Trong khi đó, một người con của ông lại bị bệnh, hằng ngày phải có người chăm sóc nên không thể đi làm thuê được khiến cuộc sống gia đình càng khó khăn hơn. Vì vậy, khi được hỗ trợ cải tạo vườn tạp, ông rất phấn khởi bởi người ở nhà vừa có thể chăm người bệnh vừa chăm sóc vườn cây để cải thiện cuộc sống. Tương tự, gia đình ông Y Kau Kpơr (dân tộc Êđê) có 12 người, trong khi đất sản xuất rất hạn chế.

Chương trình cải tạo vườn tạp xã Ea Uy được thực hiện tại 10 hộ dân ở buôn Hằng C (5 hộ dân tộc Xê Đăng, 5 hộ dân tộc Êđê) có tổng kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo huyện Krông Pắc.

Vì vậy, ngoài hỗ trợ cải tạo vườn tạp, gia đình còn được hỗ trợ bê lai trị giá 12 triệu đồng để gây giống. Ông dự định ngoài chăn dắt như các giống bò địa phương, ông sẽ trồng thêm cỏ cao sản theo khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp để bê sinh trưởng và phát triển tốt nhất có thể. Còn gia đình bà Kiều (dân tộc Xê Đăng) hiện có 3 sào đất sản xuất. Tuy nhiên, vườn cà phê rộng 1 sào không mang lại hiệu quả do đất không thích hợp, nhưng gia đình chưa đủ vốn để chuyển đổi cây trồng khác nên bị bỏ bê nhiều năm nay. Nhờ được hỗ trợ từ Chương trình cải tạo vườn tạp mà hiện tại các loại cây kém hiệu quả trên vườn đã được nhổ bỏ, đất được cày xới kỹ, phơi ải chờ 90 cây na Thái và 650 khóm dứa về để trồng.  Ngoài ra Chương trình còn hỗ trợ đào giếng khoan phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các hộ dân nên từ nay gia đình bà không phải đi suối để lấy nước hay sử dụng nước giếng đào bị lắng cặn, đục ngầu như trước nữa.

Bà Kiều sử dụng nước sạch lấy từ giếng khoan.
Bà Kiều sử dụng nước sạch lấy từ giếng khoan.

Buôn Hằng C hiện có 198 hộ dân, trong đó có đến 111 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Những năm qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chương trình giảm nghèo, nhưng do điểm xuất phát quá thấp, trong khi các điều kiện về trình độ sản xuất, tư liệu sản xuất rất hạn chế nên tình trạng thoát nghèo rồi tái nghèo hay mãi không thoát nghèo được cứ diễn ra. Ông Y Khoa Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết, để tạo động lực cũng như gắn trách nhiệm của công dân với công tác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, UBND xã đã yêu cầu các hộ dân bỏ vốn đối ứng 2 triệu đồng để mua bê con trị giá 12 triệu đồng. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo tổ cải tạo vườn tạp của xã để huy động tất cả cán bộ xã tham gia ngày công hơn 2 tuần giúp dân làm hàng rào bảo vệ vườn trước khi xuống giống, cũng như giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để bà con thụ hưởng chương trình phát triển sản xuất trong thời gian tiếp theo.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.