Chống dịch tả heo châu Phi ở Cư M'gar: Không lơ là chủ quan
Gần 1 tháng sau khi ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, huyện Cư M’gar đã và đang ra sức tập trung dập dịch, tránh để lây lan nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ổ dịch đầu tiên xâm nhập và phát sinh tại địa phương xảy ra ở 3 hộ nuôi tại thôn Đoàn Kết, xã Ea M’droh vào ngày 6-7. Trong đó, có 2 gia trại chăn nuôi số lượng lớn, với 310 con heo mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy, gồm 53 con heo nái, 3 heo đực giống, 188 heo thịt và 66 heo con, tổng trọng lượng tiêu hủy 25.568 kg. Ngay khi có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm, chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn đã khẩn trương triển khai những biện pháp khống chế dịch bệnh. Theo đó, địa phương tiến hành ngay công tác tiêu hủy 310 con heo bao gồm cả heo chết và heo nghi ngờ mắc dịch tả heo châu Phi trong trang trại chăn nuôi theo đúng quy trình.
Cán bộ thú y thị trấn Ea Pốk phun hóa chất tiêu độc khử trùng, theo dõi tình hình đàn heo tại các hộ chăn nuôi. |
Ổ dịch đầu tiên nhanh chóng được khống chế. Tuy nhiên, nhận thấy nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch xảy ra trên diện rộng là rất cao, địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng, huy động nhân lực, vật lực tập trung dập dịch, khống chế dịch phát sinh.
Theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar, do thôn Đoàn Kết có chung đường giao thông liên xã với thôn Hiệp Thắng và Hiệp Nhất (xã Quảng Hiệp) nên số heo có nguy cơ nhiễm bệnh là khá lớn, lên đến hơn 3.000 con. Đáng chú ý là chỉ trong bán kính chưa đầy 1 km từ ổ dịch đang có nhiều trại và hộ chăn nuôi lân cận. Do đó, địa phương đang nỗ lực giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, nhất là những vùng dịch uy hiếp như xã Quảng Hiệp, Ea Kiết, Ea H’đing và các vùng đệm như xã Ea Tar, Ea Kpam, Ea Mnang...
Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên cụ thể giám sát công tác phòng dịch để ngăn ngừa. Cơ quan chuyên môn và người dân tổ chức phun hóa chất, rắc vôi bột tiêu độc khử trùng hằng ngày nơi phát sinh ổ dịch, nhất là địa bàn lân cận, vùng uy hiếp và vùng đệm. Lực lượng tại 2 chốt chặn tại cửa ngõ ra vào địa bàn xã Ea M’droh - nơi phát sinh ổ dịch, được cắt cử túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, kiểm soát, phun hóa chất khử trùng, ngăn chặn các phương tiện vận chuyển heo chưa qua kiểm dịch ra vào địa bàn nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Đến nay, toàn huyện đã sử dụng 1.062 lít hóa chất và 2 tấn vôi bột để xử lý ổ dịch và phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Song song với việc dập tắt ổ dịch thì việc giữ an toàn cho đàn heo tại các hộ chăn nuôi và gia, trang trại lớn cũng được chính quyền và người dân nơi đây đề cao hết sức. Ông Mười cho hay, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác chống dịch. Thú y xã theo dõi sát sao tình hình đàn heo tại địa bàn, hướng dẫn bà con tiêu độc khử trùng chuồng trại, giữ vệ sinh khu vực chăn nuôi, giám sát các cơ sở giết mổ heo đúng quy định, tăng cường cung cấp thông tin tình hình dịch tả heo châu Phi để bà con nông dân nắm rõ.
Đối với người chăn nuôi, giữa tâm bão của dịch bệnh thì việc chăm sóc đàn heo và phòng ngừa dịch càng phải được thực hiện cẩn trọng hết sức. Tại gia trại chăn nuôi của anh Phạm Quang Thắng (thị trấn Quảng Phú), thay vì rắc vôi và phun hóa chất mỗi tuần 2 lần như trước đây thì hiện nay ngày nào anh Thắng cũng chủ động phun thuốc và rắc vôi để tiêu độc khử trùng, đồng thời, hạn chế số người ra vào chuồng trại. Anh Thắng cho hay, với hơn 100 con heo thịt trong chuồng, anh sẽ cố gắng bằng mọi giá để giữ an toàn cho đàn heo. Cùng với đó, anh cũng thực hiện kiểm dịch để xuất bán bớt nhằm hạn chế tổn thất nếu có dịch xảy ra.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại gia trại chăn nuôi ở xã Ea M'Droh, huyện Cư M'gar. |
Tuy nhiên, theo Phòng NN-PTNT huyện, bên cạnh các trang, gia trại có hệ thống chuồng trại bảo đảm, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả thì phần lớn các gia trại vừa và nhỏ, chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình, chuồng trại chưa khép kín, không cách ly chăn nuôi và còn nằm trong khu dân cư nên việc vệ sinh thú ý không được chú trọng đúng mức, đây là nguy cơ để dịch bệnh rất dễ phát sinh như hiện nay. Do đó, dù đã nỗ lực khống chế nhưng 27 ngày sau khi ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên xuất hiện tại xã Ea M’droh, thì mới đây ngày 1-8, ổ dịch thứ 2 đã xuất hiện tại thị trấn Ea Pốk.
Theo đó, ổ dịch xảy ra tại hộ chăn nuôi của bà Lê Thị Diệu Khuê (tổ dân phố Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk) có 3 con heo nái mắc dịch bệnh với tổng trọng lượng 759 kg. Ngay sau khi phát hiện, gia đình đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình; đồng thời, tiến hành tổng vệ sinh, phun hóa chất, rải vôi tiêu độc khử trùng xung quanh khu chăn nuôi của gia đình bà Khuê, các hộ lân cận và trên địa bàn thị trấn. Hiện 2 con heo nái còn lại và 22 con heo thịt tại hộ chăn nuôi này đang tiếp tục được cách ly, theo dõi nghiêm ngặt để tránh dịch bệnh lây lan.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar, với diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, vấn đề căn bản tiếp theo là làm sao để người dân ý thức được công tác phòng chống dịch và chung tay với chính quyền nỗ lực khống chế, không giấu dịch, tự giác khai báo với chính quyền khi có heo bị bệnh và kịp thời có giải pháp thích hợp, tránh nguy cơ mang mầm bệnh nguy hiểm cho khu vực. Do đó, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về dịch tả châu Phi cũng quan trọng không kém trong lúc này.
Theo thống kê, tổng đàn heo trong toàn huyện Cư M’gar hiện có hơn 29.000 con. Quy mô chăn nuôi gồm có 19 trang, gia trại, trong đó có 1 trang trại chăn nuôi lớn nhất là 1.300 con, 7 trang trại nuôi từ 500 - 1.000 con, 12 gia trại nuôi từ 50 đến 200 con, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Đàn heo nuôi tập trung nhiều nhất tại các xã Ea Tar, Ea M’droh, Ea Mnang, thị trấn Ea Pốk... |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc