Multimedia Đọc Báo in

Định hình vị thế thương mại cho cà phê Việt (Kỳ 1)

08:22, 06/08/2019

Trong hành trình du nhập từ nước ngoài vào, dưới sự tương tác của con người và khả năng tương thích với thời tiết, khí hậu, cà phê Việt Nam đã định hình vị thế trên bản đồ cà phê toàn cầu bằng năng suất và sản lượng nhất, nhì thế giới. Tuy nhiên, vấn đề thương mại cho sản phẩm này đang gặp nhiều trở ngại, đòi hỏi một chiến lược mới hiệu quả hơn.

Kỳ 1: Gồng mình trước “bão giá”

Cà phê vốn là nông sản hàng hóa định hình tên tuổi và được người Việt Nam tự hào khi nhắc đến, nhưng hiện nay, người sản xuất, kinh doanh cà phê lại đang phải gồng mình trước “bão giá”.

“Vào 3, ra 7”    

Theo quy luật thị trường, thời điểm chính vụ thu hoạch cà phê giá thường thấp hơn so với những thời điểm khác trong năm do nguồn cung dồi dào. Nếu có kinh tế vững và dám mạo hiểm, nông dân cũng có thể “găm hàng”, thậm chí đầu cơ thông qua việc mua cà phê của nông hộ khác để tích trữ chờ giá lên bán kiếm lời. Khoản lợi nhuận có thể không lớn vì lượng hàng hóa tích trữ có hạn, thiếu kho bảo quản bảo đảm nên bị hao hụt lớn, tài chính hạn chế nhưng so với việc trồng cà phê thì vẫn rất hời.

Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, câu chuyện tích trữ cà phê chờ giá lên trở thành nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp. Tại buổi chia sẻ thông tin về thị trường cà phê được tổ chức vào trung tuần tháng 4 tại TP. Buôn Ma Thuột, các chuyên gia cà phê đã gặp gỡ, chia sẻ câu chuyện về thương mại cà phê. Theo tham chiếu tại sàn London trong 10 năm gần đây thì người kinh doanh chỉ có 3 năm lời, còn 7 năm lỗ do bước giá cà phê giảm kéo dài trong khi đó đà tăng giá chậm và ngắn.

Sản xuất cà phê chất lượng cao tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Sản xuất cà phê chất lượng cao tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia về thị trường cà phê phân tích, sản lượng cà phê Việt Nam chủ yếu dành cho thị trường xuất khẩu dưới dạng hàng rời, không bao kiện, lệ thuộc vào giá niêm yết trên sàn kỳ hạn cà phê Robusta London. Tính từ 2017 đến nay, giá cà phê cứ theo đà giảm dần sau từng năm. Cụ thể, giá bình quân cà phê xuất khẩu cả năm 2017 là 2.249 USD/tấn, năm 2018 là 1.883 USD/tấn (giảm 16,3%). Đến ba tháng đầu năm 2019, mức giá bình quân chỉ còn 1.739 USD/tấn, giảm thêm 7,6% so với giá bình quân năm 2018.

Mức giá cà phê nội địa qua các năm cũng giảm, cụ thể là đầu năm 2017 giá cà phê ở mức 48 triệu đồng/tấn, đến cùng kỳ năm 2018 còn ở mức 38 triệu đồng và giữa tháng 5-2019 giá cà phê chạm đáy chỉ còn 29 triệu đồng/tấn. Thị trường đi theo chiều từ cao xuống thấp, bởi vậy càng trữ hàng trước với giá cao, khi bán ra gặp giá thấp thì thua lỗ là điều dễ giải thích.

Trong khi đó, cách kinh doanh cà phê đại trà hiện nay là mua hàng, giao vào kho hay bán “treo” theo các hợp đồng chưa chốt giá cuối cùng để chờ lúc nào giá lên cao mới đặt bán. Khi giao hàng, người mua cho ứng trước 70% trị giá hợp đồng, người bán dùng tiền số tiền đó để mua thêm. Do đó, khi giá không thuận thì số tiền thua lỗ càng lớn.

Theo phân tích của ông Manuel Diaz, chuyên gia cà phê đến từ Mexico tại “Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam” được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, cà phê mất 112% giá trị trong 30 năm qua (1988 - 2018) do lạm phát đồng đô la Mỹ.

Tháng 7-2019, giá cà phê trên sàn giao dịch không cao, thị trường cà phê nội địa đến ngày 21-7 ở quanh mức 34-34,5 triệu đồng/tấn, nhưng giá cà phê xuất khẩu được chào bán cộng 70 USD/tấn so với giá niêm yết trên sàn London kỳ hạn giao tháng 9-2019. Như vậy, nếu lấy mức đóng cửa của sàn giao dịch phiên 19-7 là 1.419 USD/tấn thì sau khi cộng 70 USD/tấn, giá FOB (giao hàng qua lan can tàu) cà phê loại 2 đạt 1.489 USD/tấn (tương đương 34,71 triệu đồng/tấn). Cộng thêm phí làm hàng, tài chính, chuyên chở về cảng thì giá xuất khẩu 34,71 triệu đồng/tấn chưa đủ "sở hụi" và hiện tượng này được giới kinh doanh cà phê trong nước gọi là "giá nội đội giá ngoại".

Vòng luẩn quẩn

Với mức giá trên dưới 30 triệu đồng/tấn như hiện nay thì rõ ràng giá cà phê đang rớt xuống dưới mức giá thành sản xuất khiến không chỉ người kinh doanh cà phê thua lỗ mà nông dân cũng gặp khó khăn. Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vừa là người tham gia kinh doanh vừa sản xuất nhưng HTX vẫn gặp rất nhiều khó khăn và hiểu rõ nông dân gặp khó khăn như thế nào về tài chính.

Nhiều nông hộ thuộc HTX phải tính toán tìm sinh kế mới với sự lựa chọn làm công nhân tại các khu công nghiệp hay tiếp tục gắn bó với cà phê. Áp lực mùa vụ, nhân công thu hái trong những năm tới đang là gánh nặng đè lên ngành cà phê bởi nếu thiếu nhân công trong các mùa vụ buộc người dân phải thuê công thu hoạch theo phương pháp khoán.

Việc thu hái theo hình thức này không chỉ giảm chất lượng cà phê từng niên vụ mà còn tác động xấu đến sự sinh trưởng của vườn cây. Đây sẽ là thách thức lớn bởi hiện nay người tiêu dùng thế giới ngày càng chú tâm đến chất lượng nên chất lượng kém đồng nghĩa cà phê tuột giá và ngành hàng cứ rơi vào vòng luẩn quẩn đó. Vì thế, để vượt qua khó khăn này, HTX đã và đang tận dụng lợi thế liên kết chặt chẽ với các hộ thành viên và hộ liên kết định hướng bà con không mở rộng diện tích mà chú trọng việc trồng xen canh các loại cây khác để chia sẻ rủi ro về thu nhập. Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê rang xay, cà phê rang mộc… từ nguồn nguyên liệu do HTX làm ra nhưng vẫn đang ở bước khởi đầu, chưa tính được lợi nhuận.

Các chuyên gia quốc tế thử nếm cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.
Các chuyên gia quốc tế thử nếm cà phê tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019.

Giá cà phê giảm đang là thực trạng chung của ngành cà phê toàn cầu và các nước sản xuất cà phê như Indonesia, Ấn Độ, Uganda, Mexico… đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành cà phê, người trồng cà phê của mình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ở Việt Nam tuy đã có một số chính sách hỗ trợ, nhưng để ngành cà phê phát triển bền vững, rất cần có những chiến lược bài bản hơn.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tìm chiến lược phát triển cà phê mới

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.