Multimedia Đọc Báo in

Gỡ "vướng" trong quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị

08:57, 15/08/2019

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, tiến độ thực hiện công tác này tại các địa phương trên địa bàn tỉnh còn chậm so với yêu cầu.

TP. Buôn Ma Thuột là địa phương được phủ kín quy hoạch đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Hầu hết diện tích đất quy hoạch chung đô thị Buôn Ma Thuột được duyệt năm 1998 (5.000 ha) đã được phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000. Tuy nhiên, việc quản lý và thực hiện quy hoạch tại địa phương này còn gặp không ít bất cập, trong đó nổi lên là tình trạng chậm thực hiện quy hoạch, chậm tiến độ thực hiện các dự án, nhiều dự án “treo” trong một thời gian dài, phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch …

Ông Trương Công Thái, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho hay, thời gian qua, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án và siết chặt quản lý xây dựng theo quy hoạch, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, tình trạng các dự án chậm thực hiện theo quy hoạch vẫn còn xảy ra.

Chẳng hạn như Dự án hồ thủy lợi Ea Tam được thực hiện tại phường Tự An có tổng mức đầu tư hơn 1.492 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 (từ 2017 đến 2020) sẽ thực hiện các hạng mục như: giải phóng mặt bằng phần lòng hồ, đường ven hồ, xây dựng hồ chứa với diện tích mặt thoáng gần 37 ha. Tuy nhiên, đến nay Dự án này mới ban hành quy hoạch 1/500 và chưa hoàn thành công tác đền bù do số hộ phải đền bù nhiều (hơn 600 hộ), trong khi đó các hộ dân lại mua bán, sang nhượng đất trong giai đoạn này càng gây khó khăn trong việc xử lý đền bù.

Tương tự, Dự án mở rộng bùng binh Km3, phường Tân Lập được UBND tỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư là 22,7 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do trên thực tế dự án cần đầu tư đến 27 tỷ đồng nên cần trình UBND tỉnh có phương án điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa đồng thuận giá đền bù khiến tiến độ dự án càng bị chậm lại…

Một góc đô thị Buôn Ma Thuột.  Ảnh: H. Gia
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: H. Gia

Tại thị xã Buôn Hồ, việc triển khai các quy hoạch cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Chủ tịch UBND thị xã Phạm Phú Lộc, đến nay thị xã đã hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được 5 đồ án, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được 14 đồ án… nhằm tạo tiền đề cho công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị và kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên hầu hết các quy hoạch này vẫn chưa thể thực hiện do không có kinh phí. Nếu triển khai theo quy hoạch thì chi phí đền bù quá lớn, trong khi đó một số dự án đầu tư ở các khu đô thị mới chỉ đủ đầu tư cho khu đô thị đó chứ không thể chỉnh trang các khu đô thị hiện hữu…

Để giải quyết vướng mắc về nguồn kinh phí thực hiện các quy hoạch trong khi ngân sách hạn hẹp, thị xã Buôn Hồ đã kêu gọi nguồn xã hội hóa, đồng thời tập trung phát triển hệ thống thương mại dịch vụ, xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay thị xã đã kêu gọi đầu tư hoàn thành 7 dự án, 4 dự án đã có chủ trương và nhà đầu tư đang triển khai, 14 dự án đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2019 - 2020... Đây cũng được xem là hướng "gỡ vướng" về kinh phí khả dĩ nhất trong bối cảnh hiện nay.

Ông Lâm Tứ Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng chia sẻ, nguyên nhân khiến việc quản lý và thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn là do tốc độ lập quy hoạch của các địa phương còn chậm, thời gian lập quy hoạch thường kéo dài trên 1 năm, chưa kể việc điều chỉnh quy hoạch còn ì ạch hơn.

Đơn cử như trường hợp điều chỉnh quy hoạch khu vực Tây Nam, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột. Mặc dù Sở Xây dựng đã yêu cầu UBND TP. Buôn Ma Thuột điều chỉnh một số điểm không phù hợp từ tháng 6–2017 nhưng đến tháng 6-2019 UBND TP. Buôn Ma Thuột mới gửi lại điều chỉnh cho Sở khiến quá trình thực hiện quy hoạch khu vực này bị chậm trễ.

Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch xây dựng trên địa bàn, các đơn vị, địa phương cần xây dựng tiến độ làm việc cụ thể để theo dõi, chỉ đạo từng trường hợp. Đối với các địa phương để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền, Sở Xây dựng đã gửi văn bản yêu cầu có báo cáo tổng hợp, từ đó Sở sẽ rà soát lại quy hoạch, phân loại để báo cáo cho UBND tỉnh có hướng xử lý. Còn đối với vướng mắc về nguồn vốn trong thực hiện quy hoạch xây dựng, trước hết cần từng bước tháo gỡ theo hướng triển khai các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu nhà ở, bán đấu giá đất để huy động nguồn vốn đầu tư đô thị…

Dự án mở rộng bùng binh Km 3 (TP. Buôn Ma Thuột) chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án mở rộng bùng binh Km 3 (TP. Buôn Ma Thuột) chưa hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Mới đây, tại một cuộc họp của UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan rà soát lại các quy hoạch hiện có và kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn; nâng cao chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và dự án đầu tư, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm sai phạm, đặc biệt là cương quyết xử lý tình trạng phân lô, bán nền, phá vỡ quy hoạch trên địa bàn…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100% với diện tích khoảng 27.841 ha; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đô thị đạt 14,86% (4.137 ha/27.841 ha); tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu 1/2000 đạt 60,3% (16.779 ha/27.841 ha).

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.