Multimedia Đọc Báo in

Hiệu ứng từ hoạt động tuyên truyền khuyến công

09:01, 21/08/2019

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về khuyến công đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp các cấp chính quyền, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh hiểu rõ về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với phát triển công nghiệp nông thôn.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình khuyến công Quốc gia và địa phương; giới thiệu những mô hình mới, cách làm hay trong quá trình triển khai đề án khuyến công tại cơ sở; đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động người dân phát huy tốt vai trò chủ thể, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp tham gia để cùng triển khai đề án có hiệu quả.

Học viên một lớp tập huấn do ngành Khuyến công tổ chức tham quan, tìm hiểu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.
Học viên một lớp tập huấn do ngành Khuyến công tổ chức tham quan, tìm hiểu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong hoạt động khuyến công, trong kế hoạch hằng năm, ngành Khuyến công luôn xây dựng các đề án về lĩnh vực này. Riêng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã triển khai tập huấn cho 300 người tại các huyện Buôn Đôn, Ea Kar, Krông Năng về kiến thức sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Tại các lớp tập huấn này, Trung tâm đã lồng ghép phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến công; đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân các huyện tổ chức cho hội viên tham quan học tập những mô hình tiêu biểu về ứng dụng máy móc, thiết bị trong sản xuất, chế biến nông sản.

 

"Do ngân sách dành cho hoạt động khuyến công hạn chế, nên ngành Khuyến công tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các chương trình, đề án có sức lan tỏa".

 

Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương)

 

Công tác tuyên truyền còn giúp người dân, nhất là các doanh nghiệp, hộ sản xuất hiểu rõ về những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với việc phát triển công nghiệp nông thôn và đối tượng, ngành nghề được hưởng lợi từ chính sách khuyến công. Từ đó, các cơ sở công nghiệp nông thôn đã chủ động tiếp cận với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.

Đơn cử như chị Nguyễn Thị Tình, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm khô tại thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) trước đây không quan tâm mấy đến công tác khuyến công. Qua tham gia lớp tập huấn do ngành Khuyến công tổ chức, chị mới biết cơ sở của mình thuộc đối tượng thụ hưởng từ chính sách khuyến công. Bên cạnh đó, chị được hướng dẫn cách làm hồ sơ, thuyết minh đề án và được chọn thực hiện đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị trong sản xuất với tổng kinh phí 420 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương năm 2019.

Tương tự, năm 2018, anh Nguyễn Trọng Dương, chủ cơ sở chế biến cà phê ở thôn 1, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) biết đến chương trình khuyến công từ một buổi tuyên truyền về chính sách khuyến công nên đã mạnh dạn xây dựng Đề án Hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến cà phê bột, công suất 120 kg nguyên liệu/mẻ và được phê duyệt hỗ trợ 100 triệu đồng...

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, công tác tuyên truyền về khuyến công vẫn còn những bất cập, nhất là nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa quan tâm đến chính sách khuyến công nên nhìn nhận phiến diện về ý nghĩa của các chương trình, đề án. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến công ở các huyện, thị xã số lượng ít, đa số là kiêm nhiệm, trong khi địa bàn rộng, nên tuyên truyền để chính sách khuyến công đến với người dân các thôn, buôn rất khó khăn. Do đó, thời gian tới, ngành Khuyến công sẽ đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền và tăng cường phối hợp với các cấp hội, đoàn thể để nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên cơ sở phù hợp với hiện trạng sản xuất công nghiệp nông thôn của địa phương và nhu cầu của đơn vị thụ hưởng.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc