Huyện Krông Pắc: Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp
Mặc dù huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi, nhưng đến nay dịch đã xuất hiện tại 3/16 xã, thị trấn, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Thiệt hại nặng nề
Xã Ea Kly là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong những năm qua, nhưng hiện tại chính quyền địa phương và người dân đang gặp khó khăn khi dịch tả heo châu Phi tấn công, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Duy Trì (thôn 1A, xã Ea Kly) cho biết, đàn heo gần 100 con của gia đinh đã bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi gần 1 tháng nay, nhưng đến giờ ông vẫn không hiểu vì sao heo lại nhiễm bệnh. Bởi, nuôi heo là nghề truyền thống và cũng là nguồn thu chính của gia đình nên việc đầu tư chuồng trại, con giống, phòng chống dịch bệnh được ông thực hiện rất bài bản.
Khi hay tin xuất hiện dịch tả heo châu Phi ở các tỉnh phía Bắc ông đã lên phương án bảo vệ đàn heo, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, nước uống cũng như không cho người ngoài vào trại chăn nuôi của gia đình. Tuy nhiên, đến tối 9-7, đàn heo của ông xuất hiện 2 con bỏ ăn, sang ngày hôm sau thì chết. Ông đã báo với chính quyền địa phương và ngành chức năng lấy mẫu kiểm tra. Kết quả, đàn heo của gia đình bị dịch tả heo châu Phi và phải tiêu hủy 3 đợt với tổng trọng lượng gần 6 tấn.
Cán bộ thú y xã Ea Kly kiểm tra công tác tiêu độc khử trùng tại gia đình ông Nguyễn Đức Cường (thôn 4A). |
Tương tự, ông Nguyễn Đức Cường (thôn 4A) cho hay, trong khu vực chuồng trại của gia đình, ngoài 3 con heo nái duy trì nuôi làm giống thì 23 con còn lại đã có người mua. Cụ thể là 7 con heo thịt được thương lái ngỏ lời với giá 32.000 đồng/kg heo hơi, chỉ chờ đến giữa tháng 8 này là bán, còn 16 con heo con ông đã nhận đặt cọc để bán với giá 550.000 đồng/con, dự kiến xuất bán cuối tháng 8. Ông đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh như rải vôi, phun thuốc khử trùng chuồng trại, siết chặt kiểm soát nguồn thức ăn cho đàn heo.
Thế nhưng đến đầu tháng 8, heo đột nhiên bỏ ăn và đổ bệnh nằm la liệt trong chuồng. Heo chết rất nhanh, nhìn dấu hiệu là ông biết heo của gia đình bị dịch tả heo châu Phi vô phương cứu chữa. Ông buộc phải báo với chính quyền địa phương lấy mẫu kiểm tra và tiêu hủy theo quy trình. Hiện tại, chuồng trại bỏ không nhưng vẫn phun thuốc tiêu độc khử trùng và rải vôi thường xuyên theo hướng dẫn nhằm tiêu diệt mầm bệnh và bảo đảm vệ sinh môi trường với mong muốn sớm tái đàn để duy trì sinh kế.
Theo ông Trần Đình Vận, cán bộ thú y xã Ea Kly thì tổng đàn heo trên địa bàn hiện chỉ còn khoảng 8.000 con, giảm hơn 10.000 con so với những năm trước. Những năm gần đây, trên địa bàn huyện và các huyện lân cận thường xuyên xảy ra dịch bệnh trên đàn heo, nhưng nhờ công tác phòng bệnh thực hiện hiệu quả nên xã không xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, với dịch tả heo châu Phi, hiện tại địa phương rất bị động và không thể kiểm soát được do đặc tính không có thuốc phòng, trừ. Vì vậy, ngoài thông tin về tình hình dịch bệnh cho bà con nắm rõ, xã chỉ còn cách làm việc với tâm thế sẵn sàng đi tiêu hủy heo mắc bệnh.
Chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh
Xã Ea Kuăng là địa phương đầu tiên của huyện Krông Pắc xuất hiện dịch vào ngày 21-6, nhưng đến ngày 30-7 lại xuất hiện ổ dịch thứ 2. Khoảng cách giữa hai ổ dịch liên tiếp cách nhau gần 40 ngày đặt ra nhiều vấn đề về công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.
Ông Y Niêm Êban, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết, qua quá trình theo dõi, điều tra, tiêu hủy heo nhiễm bệnh tại các ổ dịch trên địa bàn cho thấy thực tế người dân vẫn còn lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, có trường hợp hộ gia đình mua thịt heo từ các tỉnh phía Nam về dùng và vứt thùng xốp đựng thịt heo khi vận chuyển ra đường, sau đó vài ngày heo của gia đình đó bị nhiễm bệnh và chết. Hay có hộ gia đình có người đến các trại heo bị dịch nhưng không thực hiện nghiêm túc quy trình phòng chống dịch bệnh nên vài ngày sau đàn heo của gia đình bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy.
Có thể, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đàn heo của hai hộ dân nói trên bị dịch tấn công, nhưng ngành không thể loại trừ và nó đang là vấn đề báo động trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bởi virus dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, trong thịt heo sống hoặc ở nhiệt độ không cao virus có thể tồn tại được 3-6 tháng, heo bị chết ở 700C. Chính vì sức đề kháng của virus này cao nên nếu người dân không thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu thụ thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng thì khả năng dịch lây lan trên phạm vi rộng và kéo dài là chuyện không thể tránh khỏi.
Trước thực tế dịch bệnh diễn biến phức tạp, lại thêm điều kiện thời tiết bất lợi do ảnh hưởng của mưa bão, UBND huyện Krông Pắc đang chấn chỉnh lại công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Cụ thể là huyện đã thành lập tổ ứng phó nhanh với dịch bệnh; huy động cả hệ thống chính trị tham gia trong công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ gia súc trái phép trên địa bàn, vận động người dân không buôn bán, tiêu thụ heo không rõ nguồn gốc; thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; chủ động quỹ đất tiêu hủy heo bị bệnh.
Riêng những địa phương chưa xảy ra dịch thì tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý kịp thời, triệt để khi dịch bệnh xảy ra; hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở nuôi heo giống thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, hạn chế thương lái ra, vào khu vực chăn nuôi; áp dụng các biện pháp diệt côn trùng, ruồi, muỗi, kiến...
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, toàn huyện hiện có 86.760 con heo, gồm 114 con heo đực giống, 7.275 con heo nái, 45.806 con heo thịt, 33.565 con heo con. Tính đến ngày 6-8-2019 dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 36 hộ, thuộc 17 thôn, buôn trên địa bàn các xã Ea Kly, Ea Kuăng, Ea Yiêng, với 409 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng tiêu hủy là 25.909 kg. |
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc