Multimedia Đọc Báo in

Khởi động thị trường Trung thu

09:54, 27/08/2019

Sau rằm tháng 7 âm lịch, thị trường phục vụ mùa Trung thu trên địa bàn tỉnh bắt đầu khởi động. Các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố như Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu, Y Jút, Phan Chu Trinh… đỏ rực sắc màu của các quầy bánh, lồng đèn, đồ chơi trẻ em.

Thời điểm này, bánh trung thu của nhiều thương hiệu lớn như Đồng Khánh, Bibica, Kinh Đô... đã được bày bán khá phong phú. Năm nay sản phẩm bánh trung thu tiếp tục có nhiều cải tiến, đa dạng về mẫu mã và nhiều hương vị khác nhau để người tiêu dùng lựa chọn.

Điểm đáng ghi nhận ở thị trường bánh trung thu năm nay là nhiều doanh nghiệp sản xuất ngày càng chú trọng hơn những dòng sản phẩm dành cho các đối tượng người tiêu dùng khác nhau. Ngoài bánh trung thu nhân thập cẩm, jambon, gà quay… thì bánh ít ngọt và dòng bánh xanh (chế biến từ 100% thành phần thực vật tự nhiên) dành cho người tiểu đường, ăn kiêng, ăn chay của hãng Kinh Đô, Bibica cũng được nhiều cửa hàng nhập về để phục vụ người tiêu dùng. Cùng với đó, bao bì, mẫu mã hộp bánh cũng được các nhà sản xuất cải tiến nhiều theo hướng thiết kế đơn giản nhưng sang trọng hơn, nhất là ở dòng cao cấp, thích hợp để làm quà biếu dịp này.

Khách chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.
Khách chọn mua đồ chơi trẻ em tại một cửa hàng ở TP. Buôn Ma Thuột.

Nhìn chung, giá bánh trung thu năm nay có tăng nhẹ so với mùa Trung thu năm 2018. Đối với bánh của các hãng Kinh Đô, Bibica tăng khoảng 3 - 5%, hãng Yến sào Khánh Hòa tăng trên 5%. Ở phân khúc bình dân, giá bánh dao động từ 40.000 - 200.000 đồng/cái tùy loại.

Dù khởi động khá sớm, song sức mua thị trường thời điểm này vẫn còn trầm lắng. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, chủ điểm bán bánh trung thu thương hiệu Kinh Đô trên đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, do mới vào mùa, lượng khách mua chưa nhiều, trung bình một ngày chỉ có chừng 10 - 20 khách đến xem bánh và hỏi mua. Mọi năm, giờ này chị đã có nhiều đơn đặt hàng của các công ty, doanh nghiệp, nhưng năm nay thì có vẻ chậm hơn.

Bên cạnh bánh của các thương hiệu lớn đang được bày bán khá nhiều thì các cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống “made in Đắk Lắk” như Hà Nội, Thành Phát… cũng bắt đầu khởi động. Các lò bánh này chủ yếu phục vụ những mối quen hoặc bán theo đơn đặt hàng và bán lẻ. Khác với bánh của các thương hiệu lớn ngoài tỉnh, các lò bánh của địa phương thường có xu hướng sản xuất muộn hơn, chủ yếu rộ lên vào khoảng đầu tháng 8 âm lịch.

Bà Vũ Thị Gấm, chủ Cơ sở chế biến thực phẩm và sản xuất bánh mì Thành Phát (đường Trần Nhật Duật, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thời điểm này, cơ sở đã hoàn tất khâu chuẩn bị nguyên liệu để bắt tay vào sản xuất bánh phục vụ thị trường trung thu. Vì bánh làm ở địa phương không có chất bảo quản, hạn sử dụng thường ngắn nên không đưa ra sớm hơn so với thị trường. Về giá cả thì vẫn giữ nguyên giá của năm ngoái. Giá bánh trung bình loại 125 gam dao động từ 39.000 - 40.000 đồng/cái, loại lớn nhất là 250 gam dao động từ 61.000 - 69.000 đồng/cái

Cùng với các loại bánh trung thu, thị trường đồ chơi trẻ em cũng đã bắt đầu nhộn nhịp. Những chiếc đầu lân, trống, lồng đèn ông sao với đủ kiểu dáng, chất liệu đã được bày bán nhiều tại các cửa hàng đồ chơi trên đường Y Jut, Phan Chu Trinh...

Chị Vũ Thị Kim Lệ Mai, chủ một cửa hàng đồ chơi tại đường Y Jut cho biết, nếu như những năm trước, cửa hàng của chị chủ yếu nhập đồ chơi từ Trung Quốc thì mấy năm gần đây, đồ chơi Việt Nam đã có nhiều mẫu mã đẹp, phong phú nên chị ưu tiên nhập hàng Việt Nam về bán.

Theo chị Mai, đồ chơi trẻ em phục vụ thị trường Trung thu năm nay vẫn ổn định về giá. Đầu lân có giá từ vài chục nghìn đến 300.000 đồng/cái; đồ chơi cũng dao động từ 30.000 - 200.000 đồng/sản phẩm; các loại đèn ông sao khung tre dán giấy bóng kính đơn giản có giá từ 15.000 - 40.000 đồng/cái, đèn lồng giấy xếp từ 10.000 - 15.000 đồng/cái, đèn lồng chạy pin với hình con vật, nhân vật hoạt hình, đèn nhấp nháy... có giá khoảng 35.000 - 55.000 đồng/cái.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra thị trường đồ chơi trẻ em tại TP. Buôn Ma Thuột.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra thị trường đồ chơi trẻ em tại TP. Buôn Ma Thuột.

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2019, Cục Quản lý thị trường tỉnh đang triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường bánh và đồ chơi trẻ em trước, trong và sau Tết Trung thu.

Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay, đợt kiểm tra này Cục chú trọng kiểm tra về xuất xứ, nhãn hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, hạn sử dụng của hàng hóa; chứng nhận hợp quy, thông tin cảnh báo an toàn, việc niêm yết giá sản phẩm.

Đối với các cơ sở sản xuất bánh trung thu thì Cục chú trọng kiểm tra việc duy trì điều kiện chung về an toàn thực phẩm như cơ sở sản xuất, nhà xưởng, trang thiết bị trong sản xuất... Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng liên quan chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt hàng hóa trên khâu lưu thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ ra vào thành phố. Cùng với việc kiểm tra, Cục cũng sẽ tuyên truyền, nhắc nhở, nếu vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật để răn đe những cơ sở có hiện tượng vi phạm.

Để có một mùa Trung thu vui tươi, an toàn, Cục Quản lý thị trường tỉnh cảnh báo, khi chọn mua bánh trung thu, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có ghi rõ địa chỉ xuất xứ, hạn sử dụng và những thông tin cần thiết ghi trên bao bì sản phẩm. Tốt nhất, nên tìm mua những thương hiệu đã có uy tín trên thị trường lâu nay. Ðối với sản phẩm đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ nước ngoài, nếu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không được dán tem hợp quy CR thì người tiêu dùng cần cẩn trọng khi chọn mua.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.