Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai

14:17, 20/08/2019

Huyện Krông Bông là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi thiên tai. Do đó, ngay từ đầu năm 2019, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra, Krông Bông đã triển khai các biện pháp nhằm sẵn sàng ứng phó một cách linh hoạt với những loại hình thiên tai.

Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông cho biết, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản, huyện đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Đồng thời quán triệt và thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả; thường xuyên cảnh báo cho nhân dân mức độ nguy hiểm của sạt lở đất, lũ quét, tốc mái và mưa đá... để mọi người dân biết và phòng tránh.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai; Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; chú trọng việc lồng ghép các biện pháp phòng, chống thiên tai vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, việc tổ chức huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có để ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố; rà soát, bổ sung vào bản đồ phân vùng úng, lũ quét, sạt lở đất để quản lý và có biện pháp xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra được thực hiện ngay từ đầu năm. Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai phương án phòng chống bão đã xây dựng; chủ động kiểm tra bố trí nơi sơ tán, tổ chức sơ tán người trong thời gian bão đi qua; huy động lực lượng Công an, Quân sự, Đoàn thanh niên giúp dân khắc phục thiên tai…

Người dân xã Cư Kty (huyện Krông Bông) vớt lúa non bị ngập do đợt mưa lớn ngày 8-8-2019.
Người dân xã Cư Kty (huyện Krông Bông) vớt lúa non bị ngập do đợt mưa lớn ngày 8-8-2019.

Là một trong những xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện, Cư Pui với địa hình nhiều đồi, núi, khe suối hẹp nên thường xuyên xảy ra lũ lụt, lốc xoáy trong mùa mưa, hạn hán kéo dài vào mùa nắng. Vì vậy xã Cư Pui đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là khuyến cáo nhân dân gieo trồng đúng thời vụ, khẩn trương thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trong vùng dự báo ảnh hưởng lũ, lụt với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

Xã cũng nghiêm cấm tuyệt đối các cá nhân sử dụng phương tiện xuồng, ghe để đánh bắt cá, chuyển người qua lại sông suối, nhất là đưa các em học sinh đi học vào mùa mưa lũ… Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, từ đó phát huy tính tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai, xã đã tuyên truyền người dân tích cực trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước. Bên cạnh đó, xã còn thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, gia cố các công trình hồ đập trên địa bàn và trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết như phao cứu sinh cho những vùng có nguy cơ cao…

Xã Hòa Lễ cũng là một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đơn cử như đợt mưa lớn từ ngày 8 đến 9-8 vừa qua, trên địa bàn xã có gần 300 ha lúa chịu ảnh hưởng bởi 3 công trình thủy lợi là đập An ninh, Hố Kè và Đông Duy Lễ. Trước nguy cơ nước dâng cao gây ngập lụt nhiều diện tích lúa và sạt lở kênh mương, địa phương đã chủ động, kịp thời báo cáo tình hình và đề nghị đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên mở các cống xả trên kênh nhằm hạn chế thiệt hại đến bờ kênh, đồng thời nạo vét tuyến kênh bị bồi đắp. Nhờ đó, diện tích lúa ngập úng bị ảnh hưởng đến năng suất đã được hạn chế đến mức thấp nhất là 60 ha.

Ông Phan Thanh Sa, Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ chia sẻ, rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay ngoài việc thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai của xã, các thôn đều thành lập Tổ phòng chống thiên tai để chủ động và kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Không chỉ trang bị đầy đủ các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn, xã còn phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức diễn tập về công tác phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ xã và người dân trên địa bàn.

Lực lượng vũ trang huyện Krông Bông giúp nhân dân khắc phục hậu quả do Cơn bão số 12 năm 2017 gây ra.
Lực lượng vũ trang huyện Krông Bông giúp nhân dân khắc phục hậu quả do Cơn bão số 12 năm 2017 gây ra.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Bông, tổng thiệt hại sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở vật chất do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện từ năm 2012 - 2018 ước tính gần 743 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra là hơn 478 tỷ đồng, thiệt hại do hạn hán là hơn 263 tỷ đồng, do lốc xoáy trên 1 tỷ đồng. Hằng năm, ngoài ngân sách Trung ương, tỉnh, các tổ chức từ thiện quyên góp hỗ trợ, huyện đã trích ngân sách và huy động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng nhằm khắc phục kịp thời, ổn định đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, thời tiết trên địa bàn huyện Krông Bông diễn biến trái quy luật, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do thiên tai là 4.388 ha, tổng thiệt hại ước tính gần 76 tỷ đồng; 9 ngôi nhà của người dân và 1 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng bị thiệt hại do mưa lớn và gió lốc…

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc