Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh năng động trong làm kinh tế

08:20, 08/08/2019
Phát huy tinh thần Bộ đội Cụ Hồ, nhiều cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn huyện Cư M’gar năng động, sáng tạo, xây dựng được những mô hình kinh tế cho thu nhập cao, từ hàng trăm triệu đồng đến tỷ đồng mỗi năm.
 
Trước đây, trên 4 ha đất, gia đình CCB Lý Sòi Sinh (ở thôn 7, xã Ea M’nang) trồng ngô, đậu là chính nên hiệu quả đem lại không cao, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhận thấy trồng hoa màu không đem lại hiệu quả, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 1 ha đất sang trồng cây cà phê, đồng thời đưa thêm hồ tiêu vào trồng xen, tạo sự đa dạng cây trồng, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. 

Có vốn, ông Sinh mạnh dạn chuyển đổi những diện tích còn lại sang trồng lúa, điều, cà phê, xen hồ tiêu và mua thêm đất để mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, gia đình ông đang sở hữu 5,6 ha đất, trong đó có 3 ha điều, 6 sào lúa và 2 ha cà phê, xen thêm 1.000 trụ tiêu, trong đó có 500 trụ đang trong giai đoạn kinh doanh. Bình quân, mỗi năm gia đình ông thu 7 - 8 tấn cà phê, 2 tấn tiêu, 4 tấn điều... Hiện nay, dù trên thị trường giá hồ tiêu, cà phê xuống thấp nhưng cũng mang lại cho gia đình ông thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư. Thời gian tới, khi những trụ tiêu còn lại đồng loạt cho thu hoạch, thu nhập của gia đình ông Sinh sẽ còn cao hơn…

Cựu chiến binh Lý Sòi Sinh (bên trái) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình với cán bộ  Hội Cựu chiến binh xã Ea M'nang.
Cựu chiến binh Lý Sòi Sinh (bên trái) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình với cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Ea M'nang.
 

Còn CCB Mai Đình Phượng (ở thôn An Phú, xã Ea Drơng), nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng nên dù có diện tích canh tác không lớn nhưng gia đình ông vẫn có được nguồn thu nhập cao và ổn định. Với 2,4 ha đất trồng hơn 2.000 cây cà phê, xen thêm 200 cây sầu riêng, 50 cây bơ, 400 trụ tiêu, bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 20 tấn sầu riêng, 3,5 tấn cà phê, hơn 1 tấn tiêu, khoảng 1 tấn bơ.

Những năm gần đây, giá sầu riêng liên tục tăng cao, đặc biệt có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể với hơn 1,2 tỷ đồng/năm sau khi đã trừ hết các chi phí đầu tư phân bón, nhân công. Ông Phượng có điều kiện nuôi con cái ăn học, xây dựng được nhà cửa khang trang (trị giá gần 1 tỷ đồng), cũng như sắm sửa các trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và các phương tiện đi lại, phục vụ cho sản xuất....

Hội viên CCB huyện Cư M’gar và xã Ea Drơng tham quan mô hình kinh tế của CCB Mai Văn Phương (bìa trái).
Hội viên CCB huyện Cư M’gar và xã Ea Drơng tham quan mô hình kinh tế của CCB Mai Văn Phương (bìa trái).
 
Ngoài CCB Lý Sòi Sinh và Mai Đình Phượng, trên địa bàn huyện Cư M’gar còn rất nhiều CCB đạt được thành công trong phát triển kinh tế như: CCB Y Diăk Kbuôr (ở buôn AYun, xã Ea Kuêh), với mô hình trồng cao su, cà phê, hồ tiêu, thu nhập sau khi trừ chi phí đầu tư đạt 450 triệu đồng/năm; CCB Vũ Ngọc Nhanh (ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp), với mô hình trồng cà phê, tiêu, kết hợp với kinh doanh vật liệu xây dựng, cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm…
 
“Những năm qua, các hội viên CCB, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất. Có những hộ gia đình đạt mức thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Số hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nhiều, đến nay toàn Hội có trên 2.000 hội viên có điều kiện kinh tế khá, giàu; trong đó có 20% hộ gia đình hội viên được công nhận đạt sản xuất kinh doanh giỏi các cấp…”.
 
 
ông Nguyễn Công Khương, Chủ tịch Hội CCB huyện Cư M’gar

Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB huyện Cư M’gar đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả; tích cực tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên vay vốn. 
 
Đến nay, tổng dư nợ Hội đang quản lý hơn 60 tỷ đồng, cho 2.199 hội viên vay vốn. Ngoài ra, với gần 8,4 tỷ đồng từ nguồn quỹ của Hội, nhiều hội viên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, doanh nghiệp, trang trại, gia trại do CCB làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cũng như giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Qua rà soát, Hội CCB huyện hiện chỉ còn 70 gia đình hội viên nghèo (chiếm tỷ lệ 1,78%). 
 

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.