Multimedia Đọc Báo in

Những người lính xung kích trong cuộc sống đời thường

08:55, 22/08/2019

Hăng hái, dũng cảm trong quân ngũ, đến khi trở về cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB) Hồ Hữu Huệ (xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) và Y Khing Niê (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tiếp tục phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” tích cực tham gia công tác xã hội, vượt khó xóa đói giảm nghèo…

Cán bộ Hội năng động

Năm 1984, ông Hồ Hữu Huệ nhập ngũ tại Trung đoàn 113 - Bộ Tư lệnh đặc công, đóng quân tại Hà Nội. Đến năm 1987, hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê hương Quỳnh Lưu (Nghệ An) tiếp tục tham gia công tác xã hội. Đến năm 1989, ông quyết định đưa gia đình vào huyện M’Đrắk lập nghiệp.

Ban đầu ông Huệ làm công nhân Nông trường Cà phê Krông Jing (huyện M'Đrắk). Sau khi nông trường giải thể, ông Huệ đưa vợ con đến sinh sống tại thôn 4, xã Ea Lai cho đến nay. Lập nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, không chịu khuất phục khó khăn, ông Huệ đã biến mảnh đất cằn cỗi của gia đình thành mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Hiện gia đình ông có hơn 2.400 trụ tiêu kinh doanh (khoảng 1,6 ha), với năng suất bình quân từ 3,6 - 4 tấn/ha; 4 sào cà phê đã tái canh và chăn nuôi thêm gia cầm, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Có những năm thời tiết thuận lợi, giá nông sản ổn định, thu nhập của gia đình ông đạt từ 300 - 350 triệu đồng/năm.

Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế gia đình ông Hồ Hữu Huệ (giữa).
Cán bộ Hội CCB huyện M'Đrắk tham quan mô hình kinh tế gia đình ông Hồ Hữu Huệ (giữa).

Thực hiện phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, với vai trò Chủ tịch Hội CCB xã Ea Lai, ông Huệ đã vận động hội viên xây dựng quỹ tương trợ được gần 300 triệu đồng, giúp 18 hội viên nghèo vay vốn; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 78 hội viên vay để đầu tư sản xuất, với dư nợ trên 5 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc vận động xây dựng mô hình "2 trong 1" (2 hội viên khá, giàu giúp 1 gia đình hội viên đặc biệt khó khăn cùng tiến bộ), Hội CCB xã đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên được hỗ trợ vốn, cây con giống, tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Những hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên CCB xã giảm xuống còn 14%; có những chi hội không còn hội viên nghèo (tiêu biểu như Chi hội CCB thôn 9); tỷ lệ hộ có mức sống khá, giàu tăng lên trên 45%.

Bên cạnh đó, ông Huệ còn tích cực vận động hội viên phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” là lực lượng nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Tính riêng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, ông Huệ đã vận động hội viên CCB xã đóng góp trên 250 ngày công, hiến 1.500 m2 đất, phá bỏ trên 500 cây trồng có giá trị kinh tế cao, tường rào để tu sửa và làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn. Từ những kết quả đạt được, Hội CCB xã Ea Lai nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc, được UBND xã, Hội CCB huyện tặng nhiều giấy khen. Chủ tịch Hội CCB xã Ea Lai Hồ Hữu Huệ được tuyên dương trong phong trào thi đua CCB gương mẫu giai đoạn 2014 - 2019.

Đất không phụ công người

Năm 1978, ông Y Khing Niê (thường gọi Ama Đer, ở buôn Ngô B, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tham gia du kích xã ở Ea Yông (huyện Krông Pắc). Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, ông được lệnh nhập ngũ vào Huyện đội Krông Pắc. Sau 3 năm trong quân đội, ông Y Khing xuất ngũ trở về buôn Ngô (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Trở về cuộc sống đời thường, hoàn cảnh gia đình ông Y Khing vô cùng khó khăn. Con nhỏ, hay đau ốm, việc sản xuất vẫn theo tập quán lạc hậu “phát, đốt, chọc, trỉa” nên gia đình ông luôn rơi vào tình cảnh thiếu đói. Năm 1987, thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ, định canh định cư của Đảng bộ xã Hòa Phong, ông Y Khing cùng 25 gia đình trẻ khác xung phong đến định cư lập nghiệp tại vùng đất buôn Ama Thuăn cũ (nay là buôn Ngô B). Sớm nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất mới, ngoài 2.500 m2 đất được cấp, vợ chồng ông tích cực khai hoang, mở rộng diện tích, đắp bờ ngăn nước làm ruộng, nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, gia đình ông đã tự túc được lương thực.

Ông  Y Khing Niê  chăm sóc  cà phê  của  gia đình.
Ông Y Khing Niê chăm sóc cà phê của gia đình.

Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” ông bàn với vợ chuyển đổi 1 ha đất trồng hoa màu (ngô, đậu các loại) sang trồng cà phê song do đất sản xuất của gia đình là loại đất xám nhiều sạn muối nên việc chuyển đổi không thành công, cà phê còi cọc kém phát triển và chết dần, ông phải phá bỏ trồng ngô, đậu, sắn để giải quyết cái ăn, cái mặc hằng ngày cho cả gia đình 7 người. Kiên trì, không nản chí, đến năm 2010 khi đã tích lũy được số vốn nho nhỏ, ông Y Khing tiếp tục thực hiện ý tưởng chuyển đổi một số diện tích sang trồng cà phê.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, ông dành thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng cà phê từ những người đi trước, tích cực tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do khuyến nông huyện tổ chức tại địa phương. Những điều còn vướng mắc thì ông tìm gặp những người am hiểu để trao đổi thêm, đầu tư mua sắm máy móc, dây tưới, đào hồ chứa để chủ động nước tưới cho cây cà phê trong mùa khô. Đất không phụ lòng người, hiện nay gia đình ông đã có 7.000 m2 cà phê phát triển tốt cùng 4.000 m2 ruộng nước hai vụ, 1 ha đất sắn, mỗi năm thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng, cuộc sống ổn định.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tham gia công tác ở địa phương. Từ năm 2000 đến năm 2013, ông là một công an viên cần mẫn, địa bàn do ông phụ trách không xảy ra các vụ án lớn và các tệ nạn xã hội. Sau khi ông Y Khing nghỉ công tác, con trai ông là anh Y Lúi Byă vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đảm nhiệm làm công an viên. Với tư cách là người đi trước, ông thường chỉ bảo thêm kinh nghiệm xử lý tình huống để con ông vận dụng hoàn thành tốt công việc được giao. Gia đình ông Y Khing cũng luôn gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương.

Mỹ Sự - Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc