Multimedia Đọc Báo in

Những thương binh làm kinh tế giỏi

09:53, 17/08/2019

Từng xông pha trong lửa đạn, cống hiến tuổi trẻ, xương máu của mình cho độc lập tự do của dân tộc, khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều thương binh lại tiếp tục nỗ lực trên "mặt trận" phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp sức xây dựng quê hương...

"Tàn nhưng không phế”

Xuất ngũ trở về quê hương với thương tật hạng 2/4, năm 1984, ông Lê Đức Thái (SN 1948) cùng gia đình rời quê hương Thanh Hóa vào thôn 12 (xã Ea Kmút, huyện Ea Kar) định cư lập nghiệp.

Thời điểm đó, kinh tế gia đình ông rất khó khăn. Thêm vào đó, cứ mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến ông đau đớn, có lúc ông muốn bỏ về lại quê hương. Nhưng rồi khắc ghi lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, vợ chồng ông lại động viên nhau cùng nỗ lực vươn lên. “Chiến tranh, bom đạn ác liệt là vậy mình còn vượt qua được chẳng lẽ lại sợ khổ, sợ đói nghèo?”. Với ý chí đó, cùng sự quan tâm động viên của gia đình, bạn bè, đồng đội, ông Thái cùng vợ tăng gia sản xuất, khai phá đất trồng hoa màu lấy cái ăn và gom góp tiền mua thêm đất canh tác.

Lãnh đạo  Hội Cựu  chiến binh xã Ea Kmút thăm gia đình thương binh Lê Đức Thái (bên trái) ở thôn 12,  xã Ea Kmút.
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Ea Kmút thăm gia đình thương binh Lê Đức Thái (bên trái) ở thôn 12, xã Ea Kmút.

Trên 1 ha đất của gia đình, ở khu vực thấp trũng, ông Thái thuê người đào 200 m2 ao nuôi cá, diện tích còn lại vợ chồng ông làm chuồng trại chăn nuôi gà thương phẩm và trồng thêm các loại cây ăn trái. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông tận dụng đất trống xung quanh vườn trồng cỏ làm thức ăn cho cá và không ngừng tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, trang trại của gia đình ông ngày càng phát triển. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, thương binh Lê Đức Thái còn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương với vai trò là Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Trưởng thôn rồi đến Bí thư Chi bộ thôn 12. Ở vị trí công tác nào ông Thái cũng tích cực cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa. Giờ đây, do tuổi cao sức yếu, ông không đảm trách những công việc của thôn, nhưng với uy tín, kinh nghiệm của mình, ông vẫn tích cực tham gia công tác dân vận.

Ông Ngô Long Trí, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ea Kmút nhận xét: “Ông Lê Đức Thái không chỉ là người dũng cảm trong chiến đấu mà còn năng động trong phát triển kinh tế, có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của địa phương và là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”.

Làm giàu từ mô hình VAC

Sau 4 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào (từ năm 1969 - 1973), ông Ngô Duy Đát (SN 1950) xuất ngũ về quê hương Thái Bình sinh sống với 7 mảnh đạn cối trong người. Năm 1995, thương binh Ngô Duy Đát quyết định đưa gia đình vào lập nghiệp ở thôn 7 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar).

Thương binh Ngô Duy Đát (bìa phải) ở thôn 7, xã Cư Ni chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trang trại VAC.
Thương binh Ngô Duy Đát (bìa phải) ở thôn 7, xã Cư Ni chia sẻ kinh nghiệm xây dựng trang trại VAC.

Ban đầu “lạ nước lạ cái”, mọi thứ đều rất khó khăn, nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Đát không cho phép mình đầu hàng. Từ số tiền gom góp và được anh em giúp đỡ, vợ chồng ông mua được gần 1 ha đất sản xuất. Sau khi học hỏi những mô hình kinh tế trong vùng, ông quyết định phát triển kinh tế gia đình theo hướng VAC. Song song với trồng lúa để không phải lo vấn đề lương thực, ông thuê người đào ao nuôi cá, trồng tỉa hoa màu, chăn nuôi để tích lũy vốn mua thêm 1,2 ha đất.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, gia đình ông đã có một cơ ngơi ổn định với 1 ha ruộng lúa 2 vụ, 5 ao nuôi cá, 4 sào đất trồng tiêu, xen cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi gần 500 con gia cầm. Mô hình VAC này đã đem lại cho gia đình ông nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

Là hội viên cựu chiến binh và tham gia Ban Chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn 7, ông Đát đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hội viên và hỗ trợ con giống cho những hộ có nhu cầu. Phó Chủ tịch UBND xã Cư Ni Nguyễn Văn Vỹ đánh giá: “Ông Ngô Duy Đát là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Trang trại VAC của gia đình ông là một mô hình hiệu quả và đã được nhiều hộ trong vùng học tập, nhân rộng”.

Xuân Thao


Ý kiến bạn đọc