Nông dân Krông Pắc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Krông Pắc luôn chú trọng công tác kết nối, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) thông qua nhiều hình thức khác nhau; qua đó giúp nông dân điều chỉnh hoạt động sản xuất thích nghi với biến đổi khí hậu, từng bước thay đổi tập quán canh tác, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Nhờ thường xuyên cập nhật giá cả thị trường, xu hướng tiêu dùng và sản xuất mới, ông Nguyễn Kim Tần (thôn Thăng Tiến 3, xã Hòa An) nhận thấy xu thế sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng tăng. Cuối năm 2018, ông nhổ bỏ 0,5 ha cà phê già cỗi sang trồng các loại cây họ đậu. Sau một mùa (3 tháng) thì ông lại chuyển sang trồng rau thử nghiệm. Thấy đất khá tương thích với các loại rau nên tháng 4-2019, ông lặn lội xuống TP. Hồ Chí Minh tìm hiểu thị trường nhà lưới.
Theo tính toán, chi phí xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới tự động dao động từ 120 - 150 triệu đồng/sào, nhưng nếu tự xây dựng nhà lưới sẽ tiết kiệm được hơn 20% chi phí đầu vào nên ông đã tự mua lưới về để dựng. Ông Tần cho biết, thời tiết Đắk Lắk những năm gần đây diễn biến phức tạp, hiện tượng mưa lớn kèm theo gió giật mạnh xảy ra liên tục nên chuyện nhà lưới bị sập, hỏng luôn được ông tính đến khi chuyển hướng sang trồng rau.
Gia đình ông Nguyễn Kim Tần kiểm tra chất lượng khổ qua trước khi bán cho người dân trong vùng. |
Nhờ tự làm nhà lưới mà toàn bộ số tiền tiết kiệm được ông chuyển sang đầu tư các giống rau công nghệ cao như dưa leo baby, cà chua baby, khổ qua xanh, đậu cô ve chất lượng cao, rau muống… Trồng rau trong nhà lưới với giống chất lượng cao (tỷ lệ nảy mầm cao, sản phẩm rau, quả có kích thước tương đối ổn định) đã chế ngự được nhược điểm rau quả dễ bị sâu bệnh và kích thước nhỏ của phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ. Vì vậy, người dân địa phương sau khi đến tham quan đã có sự tin tưởng nhất định và đặt vấn đề mua rau định kỳ cho gia đình. Hiện tại, ngoài bán cho người dân trên địa bàn huyện thì gia đình còn cung cấp các loại rau nói trên cho chợ đầu mối Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột với khối lượng bình quân khoảng 1 tạ/ngày.
Hội Nông dân huyện Krông Pắc hiện đang tập trung thực hiện 4 dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với số tiền 760 triệu đồng gồm nuôi cá lồng bè, nuôi gà thương phẩm tại xã Krông Búk, trồng và khai thác nấm tại xã Ea Uy, nuôi bò vỗ béo ở xã Ea Kuăng. |
Tương tự, KHKT cũng đang góp phần tích cực vực dậy kinh tế cho gia đình chị H’Nghịch (buôn Kang, xã Ea Knuêc). Theo đó, gia đình chị chỉ có 1 ha cà phê nhưng đã già cỗi, năng suất hằng năm rất thấp. Để cải thiện thu nhập, gia đình chị đã tiến hành tái canh theo hình thức cuốn chiếu nhưng bất thành vì thiếu kỹ thuật. Vì thế, năm 2015 khi hay tin xã mở lớp dạy nghề kỹ thuật trồng cà phê, chị đã đi học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học 3 tháng, gia đình chị đã nhổ bỏ cà phê già cỗi, cải tạo đất bằng phương pháp cày bừa, phơi ải đất. Sau đó bón nhiều phân chuồng để trồng các loại cây họ đậu, bắp trong 2 năm.
Vườn cà phê tái canh theo hướng bền vững của gia đình chị H’Nghịch. |
Trước khi xuống giống cà phê, gia đình bón lượng lớn phân chuồng ủ hoai vào hố, chọn các giống cà phê mới TRS1, TR4 để trồng, đồng thời xen canh các loại cây ăn quả giữa các khoảng trống trên vườn.... Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật mà gia đình đã tái canh thành công 1 ha cà phê với tỷ lệ sống trên 90%. Hiện tại, vườn cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả và bắt đầu cho thu bói vào niên vụ tới.
Ông Nguyễn Công Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pắc cho biết, bên cạnh kết hợp với các cơ quan, đoàn thể khác tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thì Hội Nông dân huyện còn tổ chức các đoàn tham quan, tìm hiểu những mô hình sản xuất mới. Điển hình là tổ chức Đoàn tham quan Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại TP. Buôn Ma Thuột; tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm với Hội Nông dân huyện Cư Kuin; tham gia hội thảo các giống lúa mới; phối hợp với các công ty và dịch vụ mua phân bón trả chậm cho cán bộ, hội viên, nông dân hơn 124,6 tấn phân bón…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc