Multimedia Đọc Báo in

Nông dân trồng sầu riêng "than trời" vì mưa lớn và gió lốc

09:10, 09/08/2019

Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra mưa lớn kèm gió giật mạnh làm nhiều diện tích sầu riêng sắp thu hoạch bị gãy đổ, rụng quả gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.

Gia đình chị Lê Thị Thảo (ở thôn Ea Chăm, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) có 600 cây sầu riêng đang nuôi trái, dự kiến năm nay cho thu khoảng 60 tấn quả. Nhưng sau trận gió lốc xảy ra vào chiều tối ngày 3-8 đến sáng hôm sau thì quả sầu riêng rụng lăn lóc khắp vườn, hàng chục cây sầu riêng bị bật gốc, gãy đổ. Thấy mưa, gió vẫn đang tiếp diễn mạnh, gia đình chị Thảo phải dùng dây buộc trái, giằng, néo cành sầu riêng để tránh bị gãy đổ thêm. Chị Thảo buồn bã: “Chỉ gần một tháng nữa là vào vụ thu hoạch nên hầu hết trái bị gió đánh rụng đều đã đạt trọng lượng 3 - 5 kg, ước thiệt hại khoảng 7 tấn trái non.

Nhiều cây sầu riêng của gia đình chị Lê Thị Thảo (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) bị nghiêng cây, gãy cành.
Nhiều cây sầu riêng của gia đình chị Lê Thị Thảo (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) bị nghiêng cây, gãy cành.

Cùng chung cảnh ngộ, vườn sầu riêng 300 cây trồng xen trong vườn cà phê của gia đình chị Kiều Thị Định ở thôn Ea Chiêu (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cũng bị rụng gần 2 tấn trái non trong đợt giông, lốc vừa qua. Chị Định tiếc nuối: “Chưa năm nào vườn cây của gia đình bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường như năm nay. Không chỉ rụng trái, nhiều cây sầu riêng còn bị toác cành, bật gốc. Mặc dù được trồng xen nhưng hằng năm mỗi cây sầu riêng cũng phải đầu tư cả triệu đồng, chưa kể công chăm sóc nên thiệt hại đối với gia đình là rất lớn”.

 
“Gió giật mạnh sau mưa là nguyên nhân khiến bà con nông dân không kịp trở tay. Hơn nữa, sầu riêng đang chuẩn bị bước vào thời kỳ thu hoạch nên sức nặng khá lớn dẫn đến không thể chống chịu trước sức gió của cơn lốc đi qua, gây thiệt hại lớn ”.
 
Ông  Phạm Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar

Ông Lê Rế, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 900 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 300 ha. Hiện, con số thiệt hại chưa thể thống kê chính xác do các vườn sầu riêng vẫn tiếp tục rụng trái.

Tại huyện Cư M’gar, mưa gió lớn liên tục những ngày qua cũng khiến cho nhiều hộ dân trồng sầu riêng thiệt hại nặng. Gia đình anh Phan Đình Dương ở thôn Tiến Đạt (xã Quảng Tiến) trồng 5 ha sầu riêng nhưng mưa lớn, gió giật mạnh khiến 3 tấn sầu riêng bị rụng.

Anh Dương thở dài: “Suốt ngày qua, tôi phải thuê 3 nhân công để nhặt sầu riêng rụng, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng. Nhưng tiếc nhất là nhiều cây sầu riêng 10 năm tuổi cho thu hoạch 250 kg/vụ bị gãy đổ, đứt rễ, lay gốc, nguy cơ cây bị chết hẳn”. 

Chị Kiều Thị Định (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chua xót gom sầu riêng non bị gió lốc đánh rụng.
Chị Kiều Thị Định (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chua xót gom sầu riêng non bị gió lốc đánh rụng.

Toàn tỉnh có khoảng 6.000 ha sầu riêng, trong đó 3/4 diện tích đang cho thu hoạch, tâp trung nhiều tại các huyện: Krông Năng, Krông Pắc, Cư M'gar, Ea H’leo. Do diễn biến thất thường của thời tiết, mưa to kèm gió lốc của cơn bão số 3 hầu hết các vườn sầu riêng trên địa bàn đều bị thiệt hại từ 1 - 2 tạ đến vài tấn/hộ, một số hộ bị ảnh hưởng nặng hơn do gãy cành, đổ cây, bật gốc.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao, tình hình mưa gió hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động chăm sóc vườn cây, có biện pháp thích hợp để bảo vệ, che chắn, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thùy Linh - Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.