"Quả ngọt" trên vùng đất cằn Ya Tờ Mốt
Mặc dù có diện tích đất sản xuất lớn, nhưng khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên nhiều người dân ở xã vùng sâu Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) mãi loay hoay với "bài toán" tìm cây trồng, vật nuôi phù hợp. Và rồi, sau bao lần thử nghiệm, nhiều người dân nơi đây đã gặt hái được "quả ngọt", mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế từ cây ăn trái...
Năm 2001, ông Lê Đình Hiến đưa cả gia đình từ Thái Bình đi kinh tế mới vào thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt. Ngoài 4 sào đất sản xuất và 1.000 m2 đất ở được cấp theo quy định, năm 2007, vợ chồng ông mua thêm 3 ha đất. Như các hộ khác trong vùng, nhiều năm liền gia đình ông trồng lúa, ngô, đậu, sắn nên thu nhập cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Trăn trở với "bài toán" chuyển đổi cây trồng, năm 2014 ông khăn gói xuống Bình Phước và các tỉnh miền Tây học tập kinh nghiệm sản xuất và mua 30 cây xoài Đài Loan về trồng thử nghiệm. Sau 1 năm, nhận thấy cây sinh trưởng tốt, ông Hiến mở rộng diện tích trồng xoài lên 1 ha. Cùng với xoài, số diện tích đất còn lại ông trồng nhãn, mãng cầu, hồng xiêm, bưởi, mít... Để tăng hiệu quả kinh tế, ông Hiến tìm tòi, học hỏi cách cho xoài ra hoa trái vụ nhằm hạn chế sâu bệnh và bán được giá cao hơn.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (bên phải) khảo sát vườn xoài trái vụ của gia đình ông Lê Đình Hiến ở thôn 14A (xã Ya Tờ Mốt). |
Theo ông Hiến, giống xoài Đài Loan rất thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở đây. Cây sinh trưởng nhanh, chống chịu sâu bệnh tốt, có khả năng thích nghi với nhiều loại đất, kể cả đất phèn và nhiễm mặn nhẹ. Mỗi năm cây cho trái 2 vụ, năng suất cao, trọng lượng mỗi trái trung bình từ 0,8 đến trên 1 kg. Hiện tại 1 ha xoài của gia đình ông cho sản lượng trung bình 10 tấn/năm, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg (giá chính vụ khoảng 15.000 đồng/kg). Ngoài ra, các loại cây ăn trái khác cũng cho thu hoạch trên 5 tấn. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hiến thu lãi ròng trên 200 triệu đồng.
Tương tự, năm 2011 gia đình ông Lê Văn Thông rời quê hương Đồng Tháp Mười đến thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt lập nghiệp. Bao nhiêu vốn liếng tích góp được, vợ chồng ông mua gần 11 ha đất, trồng thử nghiệm 3 ha cao su, 2,8 ha cây ăn trái gồm: ổi, chanh, mãng cầu na, nhãn. Diện tích còn lại ông trồng các loại cây ngắn ngày. Sau 2 năm bỏ công chăm sóc, vườn cây cao su vẫn còi cọc, trong khi giá mủ liên tục xuống thấp nên vợ chồng ông quyết định phá bỏ chuyển sang trồng mía. Gắn bó với cây mía được 3 năm, nhận thấy loại cây này cũng chỉ đủ ăn, không thể làm giàu, năm 2017 ông Thông vay mượn thêm vốn đầu tư trồng 3.000 cây xoài Đài Loan. Đến nay vườn xoài của gia đình ông bắt đầu cho thu bói.
Ông Lê Văn Thông ở thôn 14A (xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) chăm sóc vườn nhãn của gia đình. |
"Trăn trở lớn nhất của người nông dân là vốn đầu tư ban đầu cho vườn cây khá cao, trung bình khoảng 300 triệu đồng/ha, sau 2-3 năm mới cho thu hoạch. Chúng tôi rất mong muốn được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chăm sóc vườn cây phát triển bền vững".
Ông Lê Đình Hiến, người dân thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt
|
Để khắc phục nhược điểm của vùng đất “mới mưa đã ngập, vừa nắng đã khô”, ông Thông cho đào rãnh, tạo mương để tránh ngập úng, đào ao sâu tích nước và lắp đặt hệ thống tưới nước cho cây trồng vào mùa khô.
Ông Thông nhẩm tính: Với 2,8 ha cây ăn trái đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm thu được khoảng 25 tấn quả các loại. Sau khi trừ chi phí, ông thu lợi được trên dưới 200 triệu đồng. Từ năm 2020 trở đi, các loại cây trồng trên diện tích gần 11 ha của gia đình ông đều cho thu hoạch, với giá bán trung bình từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, giấc mơ trở thành tỷ phú nơi vùng đất cằn của gia đình ông không còn xa vời.
Không chỉ gia đình ông Hiến, ông Thông mà nhiều nông dân ở vùng đất cằn Ya Tờ Mốt cũng đã tìm ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả khi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Theo ông Trần Quang Trịnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt hiện đã phát triển được khoảng 60 ha cây ăn trái, chủ yếu là xoài, quýt, ổi, nhãn, chanh… Các loại trái cây ở đây hiện có giá bán cao và ổn định, nhu cầu của thị trường lớn, đầu ra thuận lợi, thương lái đến tận vườn thu mua. Phát triển cây ăn trái là hướng đi hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn phù hợp với chủ trương chuyển đổi cây trồng của địa phương.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc