Multimedia Đọc Báo in

"Thôn rau má" Phước Hòa 3

10:45, 05/08/2019

Ở thôn Phước Hòa 3, xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc) hiện có tới 15 hộ trồng rau má, với diện tích 5 ha. Cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện nhờ loại cây trồng này.

Với 5 sào rau má, gia đình ông Lâm Văn Trung (thôn Phước Hòa 3) thu hoạch trung bình 6 tấn/đợt/năm. Mỗi đợt thu nhập 48 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, trung bình ông lãi 25 triệu đồng/tháng. Theo ông Trung, trồng rau má có thể cho thu hoạch 10 đợt/năm. Mỗi đợt (nếu rau đạt) được 1,2 tấn/sào. Hiện nay, giá mỗi ki-lô-gam rau má được thương lái mua với giá 8.000 đồng.

Ông Trung cho biết, đây là giống rau tái sinh, mỗi gốc rau má có chu kỳ thu hoạch trong 10 năm, do đó chỉ tốn chi phí mua giống và đầu tư ban đầu. Sau khi thu hoạch, tiếp tục tưới nước, bón phân, khoảng 35 ngày sau sẽ cho thu hoạch đợt tiếp theo và có thể khai thác quanh năm. “Cách xử lý an toàn khi rau bị sâu bệnh là xay gừng, tỏi, ớt, tinh dầu nguyên chất, ngâm với rượu khoảng 15 ngày, rồi phun lên rau, trị sâu bệnh”, ông Trung chia sẻ bí quyết trồng rau an toàn của mình.

Anh Lâm Văn Thành (con trai ông Lâm Văn Trung) chăm sóc rau má.
Anh Lâm Văn Thành (con trai ông Lâm Văn Trung) chăm sóc rau má.
 
“Hiện nay, diện tích trồng rau má của thôn Phước Hòa 3 đã ổn định. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm rau diếp cá để đa dạng hóa sản phẩm. Trong thời gian tới, chính quyền sẽ phối hợp với người dân để chuyển giao quy trình trồng rau má an toàn, góp phần cải thiện đời sống, khai thác diện tích đất bị bỏ hoang.
 
Ông Tô Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kuăng

Hộ ông Nguyễn Văn Mong (thôn Phước  Hòa 3) trồng 7 sào rau má, mỗi tháng thu nhập 56 triệu đồng. Trừ chi phí, ông còn lãi 35 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn nuôi 4 con bò lai, trồng hoa cúc, húng quế, rau mầm trong nhà kính, với diện tích 2 sào. Mỗi năm gia đình ông thu lãi 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mong chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng lúa, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi trồng rau má, tạo chuỗi sản xuất nông nghiệp, đa cây đa con, gia đình tôi đã thoát nghèo, không phải đi làm thuê như trước”.

Từng là hộ nghèo của xã, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (thôn Phước Hòa 3) đến nay đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định cũng nhờ trồng rau má. Trước đây, nhà ông chỉ có 5 sào trồng lúa. Điệp khúc “được mùa - mất giá” năm nào ông cũng gặp phải, nên sau mỗi vụ ông cũng chẳng còn lãi bao nhiêu. Thấy mô hình trồng rau má của bà con nông dân trong xóm cho thu nhập ổn định, ông Minh làm theo. Ông cải tạo lại ruộng lúa trước nhà để trồng rau má. Ông Minh tâm sự: “Rau má giống tự nhiên có vị ngọt, thơm dịu nên rất được giá. Nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mà 5 năm nay gia đình tôi có nguồn thu nhập cao”.

Tiến Dũng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.